Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Nhiều người viêm phổi khi giao mùa

Thứ bảy, 09/09/2023 | 12:43
[G-News24/7] -

Ngày 8/9, PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết như trên, ghi nhận hai tháng gần đây bệnh nhân viêm phổi đông hơn trước. Nguyên nhân là thời tiết miền Bắc chuyển từ hè sang thu, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, kích ứng đường hô hấp, khiến nhiều người bị viêm phổi phải nhập viện.

Kết quả xét nghiệm PCR, nuôi cấy dịch phế quản, đờm của các bệnh nhân viêm phổi cho thấy tác nhân gây bệnh khá đa dạng, như phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae và các vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma pneumoniae. Khoảng 30% trường hợp có hiện tượng lây chéo trong gia đình.

Ở trẻ em, phần lớn bệnh nhi viêm phổi do khuẩn nội bào Mycoplasma thuộc nhóm vi khuẩn không điển hình, kích thước nhỏ (bé hơn các loại virus kích thước lớn, soi kính hiển vi không thấy). Bác sĩ phải xét nghiệm PCR mới phát hiện.

Điển hình, bé Nguyễn Viết Nam, 9 tuổi, sốt cao, ho nhiều, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma, phải điều trị bằng truyền kháng sinh.

Bà của bé, 63 tuổi, vào viện chăm cháu cũng bị lây bệnh, ho có đờm, hai ngày sau ho ra máu, sốt cao, mệt lả, khó thở, hụt hơi, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ kết luận bà viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tụt huyết áp. Bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy, truyền kháng sinh liên tục trong 7 ngày, kết hợp tập phục hồi chức năng hô hấp. Hiện, bà hết ho và sốt, bớt khó thở, xuất viện.

image001-7362-1694099783.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VJOB0qb9TLOqGejXGcwZkw

Viêm phổi hai bên trên phim chụp cắt lớp vi tính. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Trà, 31 tuổi, sốt ba ngày liền, kèm theo gai rét, mệt mỏi, uống thuốc hạ sốt không bớt. Một ngày trước khi vào viện, chị Trà đau bụng vùng hạ sườn phải, đau quặn từng cơn, nghĩ mắc bệnh đường tiêu hóa nên đi khám. Bác sĩ phát hiện chị bị viêm thùy dưới phổi phải, điều trị bằng kháng sinh truyền tĩnh mạch kết hợp tập phục hồi chức năng hô hấp. Sau 10 ngày, người bệnh hết sốt và đau bụng, không buồn nôn.

Phó giáo sư Hạnh cho biết viêm phổi thường có triệu chứng ho, sốt, đau ngực nặng hơn có khó thở. Một số trường hợp như chị Trà, viêm thùy dưới của phổi kèm theo đau bụng đặc biệt ở những người bệnh có viêm màng phổi kèm theo. Biểu hiện này dễ bị bỏ sót hoặc nhầm sang bệnh lý tiêu hóa.

"Nhìn chung, viêm phổi do vi khuẩn không điển hình, ban đầu thường tiến triển không rầm rộ, thời gian ủ bệnh có thể 2-3 tuần", Phó giáo sư Hạnh nói, thêm rằng ban đầu người bệnh sẽ ho, khạc đờm, đau họng, sốt nhẹ giống cảm cúm, sau đó bệnh tiến triển nặng dần sốt cao, ho, đau ngực, khó thở. Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp tiến triển...

dbc904fefbf52eab77e4-169409899-9424-6007-1694154673.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MkZjltEOIE08kc3ZkaiXEw

Phó giáo sư Hạnh khám phổi cho người bệnh hô hấp. Ảnh: Hoài Phạm

Viêm phổi thường tăng cao ở thời điểm giao mùa, theo bác sĩ, do thời tiết và nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường khiến virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khiến đường thở khó thích nghi, nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh. Chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng.

Dùng quạt và điều hòa không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bật quạt, điều hòa quá lạnh làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ hơn.

Bác sĩ khuyên để ngăn ngừa viêm phổi cần thực hành vệ sinh đúng cách. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Xây dựng thói quen sống khỏe mạnh gồm nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh, ưu tiên thức ăn ấm nóng, tập thể dục thường xuyên, giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại...

Không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu, bia, các đồ uống có cồn khác. Các chất độc hại trong khói thuốc lá, rượu... có thể làm tổn thương hệ thống miễn dịch của đường hô hấp nói riêng và cơ thể nói chung, làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể khỏi các sinh vật gây bệnh.

Một số loại vaccine có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, như vaccine Covid-19, haemophilus influenzae type b (Hib), cúm, sởi, ho gà, phế cầu khuẩn, thủy đậu. Trẻ em nên tiêm vaccine đầy đủ, người lớn trên 65 tuổi tiêm vaccine phế cầu khuẩn, cúm, ho gà.

Lê Nguyễn

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247