Số liệu sơ bộ mới nhất từ Hải quan cho thấy, tháng 8, Việt Nam đã xuất bán 921.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 546 triệu USD, tăng 40% về lượng và 51% về giá trị so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng, nước ta xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 35% về giá.
Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất, đạt gần 1,23 tỷ USD, tăng 16%, chiếm 38,9% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 452 triệu USD, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài 2 quốc gia trên, Indonesia từ vị trí thứ 8 vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt với mức tăng trưởng kỷ lục. 8 tháng qua, quốc gia này nhập 718.266 tấn gạo, đạt 361,2 triệu USD, tăng 1.505%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhiều quốc gia trên thế giới tăng nhập gạo Việt là do nguồn cung từ thị trường thế giới thiếu hụt. Đặc biệt, trong 3 tháng gần đây lượng gạo xuất khẩu tăng cao hơn so với đầu năm sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo từ hôm 20/7. Một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ, UAE và Nga đều thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Do đó, nhiều quốc gia đổ sang Việt Nam đặt hàng đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Ngoài ra, ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, hạn hán, mưa lũ khiến sản lượng gạo sản xuất của nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng.
Nhập khẩu gạo Việt tăng kỷ lục, lndonesia liên tục mở đấu thầu mua gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Đầu năm, quốc gia này lên kế hoạch nhập 2 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ứng phó với hiện tượng El Nino. Mới đây, họ đã điều chỉnh kế hoạch cả năm lên 2,4 triệu tấn. Báo cáo của hải quan nước này cho thấy, hết tháng 7, họ đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn gạo.
Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu ở Cần Thơ cho hay, Indonesia đang ưa chuộng gạo Việt Nam vì chất lượng cao. Hôm 11/9, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã thông báo sẽ mua 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Do đó, các đối tác mua hàng từ Indonesia cũng đang ngỏ ý tăng mua lượng gạo từ doanh nghiệp của ông.
Tương tự, tại các quốc gia Senegal, Ba Lan, Ghana, Gabon tăng mua gạo Việt vì cũng đang hụt nguồn cung từ Ấn Độ, trong khi đó, hàng trong nước giảm do hạn hán.
Riêng với Lào, gạo nếp chiếm 80% tổng sản lượng lúa gạo nên họ tăng cường nhập gạo trắng và thơm để bổ sung. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt cũng xuất gạo sang Trung Quốc thông qua đường cao tốc của Lào.
Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ để đáp ứng. Tại hội nghị ở Cần Thơ đầu tháng 8, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO), lo lắng cho cân đối xuất khẩu. Ông dẫn số liệu từ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đánh giá tỷ lệ tồn kho trên tỷ lệ tiêu dùng của Việt Nam chỉ khoảng 11% trong khi đó mức an toàn khoảng 22%. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, theo ông Việt Nam, tỷ lệ này chỉ còn 8,5%.
Ngoài ra, theo ông Việt Anh, tình trạng đáng báo động hiện nay là nông dân bán sang tay quá nhiều. Số lượng cò lái tăng nhanh và họ đang làm nhiễu loạn thị trường khiến nhiều doanh nghiệp bị nông dân "bẻ kèo". Họ không chỉ mất tiền cọc mà không thu mua được lúa từ nông dân đã liên kết trước đó. Khi các doanh nghiệp không có gạo giao, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng.
Từ tháng 9 tới nay, khá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Philippines cho biết đối tác liêu tục xin hủy hợp đồng và giãn thời gian mua hàng do Chính phủ nước này quy định giá trần cho gạo trong nước.
Hai ngày nay, giá gạo xuất khẩu và hàng thị trường trong nước quay đầu giảm. Trong đó, giá gạo xuất khẩu giảm 15 USD một tấn so với tuần trước, còn hàng trong nước giảm 100-600 đồng một kg.
Thi Hà