Hiện miền Bắc giao mùa sang thu và miền Nam chuẩn bị vào mùa mưa bão. Thời điểm này số lượng người lớn và trẻ nhỏ đến tiêm chủng tại VNVC tăng so với tháng trước, tổng đài VNVC cũng tiếp nhận nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh về các phản ứng sau tiêm hơn.
Theo đó, phụ huynh phản ánh bé gái 2 tháng tuổi nổi mẩn ngứa khắp người, quấy khóc và bỏ bú sau 1 ngày tiêm vaccine 6 trong 1, cho biết sau đó sẽ không tiếp tục tiêm chủng cho con. Gia đình được hướng dẫn đưa bé đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán nguyên nhân, sau đó xác nhận nổi nốt do dị ứng với nước xả vải, không liên quan vaccine. Một khách hàng khác cho con trai 5 tuổi tiêm vaccine thủy đậu trùng với thời điểm trẻ bị bệnh tay chân miệng. Do đó, bố mẹ nhầm lẫn các nốt phát ban do bệnh tay chân miệng của con thành các tác dụng phụ sau tiêm vaccine thủy đậu.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết đã gặp nhiều trường hợp tương tự và rất thông cảm với sự lo lắng của các bậc cha mẹ về vaccine. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng gia đình không nên quá lo lắng. Vaccine được tạo ra nhằm bảo vệ cộng đồng trước các bệnh có nguy cơ gây dịch và tỷ lệ tử vong cao, trải qua nhiều giai đoạn phức tạp rồi mới được đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Trong đó, ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, nhà sản xuất phải đảm bảo tính an toàn của mũi tiêm. Nếu ghi nhận ca tử vong, vaccine phải nghiên cứu lại từ đầu.
Các vi sinh vật sử dụng làm kháng nguyên sẽ được bào chế làm mất khả năng gây bệnh, chỉ còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ. Khi được tiêm vào cơ thể, vaccine sẽ kích thích hệ miễn dịch "bắt chước" giống như nhiễm trùng tự nhiên, giúp cơ thể tạo ra các kháng nguyên một cách an toàn. Hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ các kháng nguyên này và dùng để "chiến đấu" với tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Do cơ chế đưa tác nhân lạ vào cơ thể để kích thích miễn dịch, vaccine vẫn có tỷ lệ nhỏ gây phản ứng sau tiêm, thường gặp gồm sốt, sưng đỏ tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Đây cũng là dấu hiệu cho biết hệ miễn dịch đang được kích thích để tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể. Một số vaccine có phản ứng sau tiêm rất đặc trưng, như vaccine BCG ngừa bệnh lao khiến trẻ mọc mụn mủ tại vết tiêm, tự khỏi trong vài tuần hoặc vài tháng sau đó.
Các phản ứng sau tiêm ở mỗi người có thể khác nhau từ nhẹ, thông thường đến hiếm gặp, nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp phản ứng nặng là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của người được tiêm. Phản ứng sau tiêm còn có thể đến từ các nguyên nhân khác ngoài vaccine như sai sót trong việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng.
Từ đó, để loại trừ các phản ứng không mong muốn sau tiêm, bác sĩ Chính cho biết các điểm tiêm chủng đều cần có bộ phận khám sàng lọc trước tiêm chủng. Nhân viên y tế phải khai thác đầy đủ về tiền sử sản khoa, trẻ có sinh non hay không, người được tiêm từng gặp tai biến hoặc dị ứng nặng hay không.
Nếu không đủ điều kiện, người đó sẽ không được tiêm chủng. Mọi nhân viên tiêm chủng phải nắm vững kỹ năng xử lý phản ứng nếu có.
Bác sĩ Chính cũng dẫn một số vụ việc trẻ bị tử vong sau tiêm chủng nguyên nhân không phải do vaccine. Gần đây nhất là bé 2 ngày tuổi, ở Vĩnh Phúc, tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B. Nguyên nhân tử vong là rối loạn chuyển hóa axit béo, một thể của bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, khiến bé có diễn biến sức khỏe bất thường, không liên quan vaccine ngừa viêm gan B.
Hoặc bé gái 4 ngày tuổi tử vong tại bệnh viện ở Bình Phước năm 2013 sau khi tiêm vaccine lao. Kết luận điều tra cho thấy bé tử vong do người bố vô tình tỳ tay lên người bé trong lúc ngủ, gây tắc đường thở. Năm 2016, Trà Vinh ghi nhận bé trai 45 ngày tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine lao, nguyên nhân là dịch sữa gây bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp và tử vong, loại trừ nguyên nhân sốc phản vệ do vaccine.
Do đó, bác sĩ Chính cho rằng cha mẹ nên hiểu đúng về công dụng của vaccine và tác dụng phụ để tránh tâm lý ngần ngại tiêm vaccine cho trẻ và người thân trong gia đình.
Để giảm nhẹ các triệu chứng thông thường sau tiêm, phụ huynh có thể áp dụng các cách như cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn, quan sát trẻ thường xuyên, khi bế chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
"Phụ huynh không nên bỏ qua 30 phút đầu quan sát sau tiêm tại trung tâm tiêm chủng vì đây là thời gian dễ xuất hiện các phản ứng sau tiêm nhất. Ngoài ra, các phụ huynh không nên chủ quan, cần tiếp tục theo dõi tại nhà thêm 24 đến 48 tiếng để đảm bảo an toàn. Việc theo dõi phản ứng sau tiêm vừa là quyền lợi của người tiêm, vừa là trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng", bác sĩ Chính cho biết thêm.
Khi theo dõi tại nhà, gia đình nên đưa người thân, trẻ đến bệnh viện khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu: sốt cao từ 39°C, co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban; các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu có phản ứng bất thường tại nhà, phụ huynh có thể gọi đến tổng đài 028 7102 6595 của VNVC để được hỗ trợ miễn phí hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
Nhật Linh
Hiện nay, gần 130 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước có hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn. Tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng trong hệ thống đạt chuẩn quốc tế GSP và dây chuyền lạnh (cold chain). Tất cả khách hàng đến VNVC đều được khám sàng lọc trước theo, theo dõi sau tiêm tại trung tâm tối thiểu 30 phút. Tổng đài hoạt động 24/7 hỗ trợ tư vấn và chăm sóc sau tiêm.