(KTSG) – Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng cũng như “khẩu vị đầu tư” mới của các nhà đầu tư để từ đó có những thay đổi phù hợp nhằm duy trì vị thế của mình cũng như khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
- Nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào tài sản nước ngoài để bù đắp rủi ro trong nước
- Bất động sản công nghiệp vẫn thu hút nhà đầu tư
Đón làn sóng nhà đầu tư mới
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam diễn ra tại TPHCM trong tuần vừa qua, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nói rằng Hàn Quốc đã hòa vào làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ sau dịch Covid-19. Các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện nay đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và trong thời gian tới sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư lớn hơn của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Còn ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, cho rằng Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu duy trì được đà tăng như vậy thì cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có giới hạn. Ông nói: “Các nhà đầu tư hiện nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước về chính sách đầu tư và có nhiều hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương”.
Ông Bruno Jaspaert cũng dự báo lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam có rất nhiều triển vọng. Điều này cũng lý giải vì sao hàng loạt nhà phát triển bất động sản công nghiệp trong thời gian qua đã luôn tìm cơ hội mở rộng quỹ đất và phát triển nhà xưởng tại Việt Nam, như Công ty Indochina Kajima Development (ICCK) có kế hoạch chi 1 tỉ đô la Mỹ trong vòng 5-7 năm tới; tập đoàn Sumitomo đang vận hành hai khu công nghiệp ở phía Bắc cũng vừa đánh tiếng đầu tư dự án mới ở Hưng Yên; ngay cả tập đoàn KN Holdings “ngoại đạo” cũng vừa tham gia vào với dự án khu công nghiệp hơn 244 héc ta tại tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngoài các nhà đầu tư quen thuộc ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore nay đã có thêm các nhà đầu tư mới đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ. “Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ mới đây cũng đã đưa nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư để dịch chuyển sản xuất chip”, ông Sử nói.
Cần thay đổi
Trong báo cáo về ngành bất động sản khu công nghiệp mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định trong khi Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử thì Indonesia và Malaysia tập trung vào chuỗi cung ứng cho xe điện với Tesla, BYD và Huyndai đang đầu tư sản xuất pin xe điện tại Indonesia và Samsung đang đầu tư vào Malaysia.Do có tiềm năng lớn nên các nước trong khu vực vẫn đang tích cực đẩy mạnh việc hút vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng cho xe điện. Trong khi đó, Việt Nam dường như đang chậm chân hơn trong lĩnh vực này.
Một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc duy trì sức hấp dẫn đối với dòng vốn FDI là vấn đề thuế tổi thiểu toàn cầu, khi mà lâu nay Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào chính sách miễn giảm thuế để thu hút nhà đầu tư.
Ông Paul Wee, Giám đốc tài chính Công ty BW Industrial, nói rằng nhiều tập đoàn lớn trong thời gian qua đã chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan như những lựa chọn đầu tư mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Để cạnh tranh thu hút đầu tư với các nước trên, ông Paul Wee kiến nghị Việt Nam cần cải thiện ba vấn đề. Thứ nhất, thêm các tuyến cao tốc. Theo ông, các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự đảm bảo cam kết thời gian hoàn thành đúng hạn. “Khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ thì sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt, nhưng hiện đang có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm bị trễ hẹn”, ông Paul Wee nói.
Thứ hai, những nhà đầu tư lớn cần thấy có sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng. “Họ sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước ba ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ gây thiệt hại trong sản xuất”, ông Paul Wee nhấn mạnh.
Thứ ba, nếu muốn thu hút nhà đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực lành nghề phải được chú trọng và phải thay đổi. “Chúng ta có mục tiêu muốn đưa Việt Nam trở thành số 1 ở Đông Nam Á thì phải thay đổi. Ba yếu tố tôi vừa nói sẽ là thách thức có thể làm nhà đầu tư ngần ngại”, ông Paul Wee nói.
Không thể thiếu hạ tầng xanh
Một điểm đáng chú ý khác đó là các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, nên nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Theo ông Bruno Jaspaert, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Điều này giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.
Tương tự, theo ông Paul Tonkes, nên có hệ thống xếp hạng và chứng nhận các khu công nghiệp, tương tự như khung tiêu chuẩn xanh Eco-Industrial Parks (EIP) hoặc chứng nhận LEED. Việc xếp hạng và chứng nhận này sẽ giúp những nhà phát triển bất động sản công nghiệp có nhiều động lực để tạo dựng và duy trì sự hấp dẫn cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
“Khi nhà đầu tư lớn đến chắc chắn họ yêu cầu cơ sở về hạ tầng cũng như quỹ đất cho các doanh nghiệp phụ trợ đi kèm”, ông Đỗ Văn Sử nói và cho rằng: “Các tập đoàn yêu cầu cao về môi trường, họ cần cung ứng năng lượng sạch, bền vững để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, được cấp chứng chỉ để xuất sang các thị trường khắt khe. Vì vậy họ cũng đòi hỏi Việt Nam có các khu công nghiệp có đủ các yêu cầu này”.