Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Những cuốn sách giúp hiểu tiếng Việt

Chủ nhật, 10/09/2023 | 12:14
[G-News24/7] -

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai đề án của chính phủ về Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, ngày 8/9 cũng được chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt nhằm khuyến khích mọi người gìn giữ tiếng Việt, gắn kết cộng đồng thông qua ngôn ngữ và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trong số rất nhiều đầu sách nghiên cứu, phân tích vẻ đẹp của tiếng Việt, các tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, hay Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Đổng Chi biên soạn là những tác phẩm góp phần nuôi dưỡng chiều sâu, màu sắc văn hóa cho tiếng Việt.

Truyện Kiều

truyen-kieu-jpg-1694168778-2521-1694169835.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=siTXJxZU0hRQqdK5jMJ-Vw

Bìa tác phẩm "Truyện Kiều", xuất bản năm 2022. Ảnh: NXB Văn học

"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn" là câu nói trong bài diễn thuyết của học giả Phạm Quỳnh tại buổi lễ kỷ niệm ngày mất của thi hào Nguyễn Du năm 1924. Đến nay, câu nói này là minh chứng cho những giá trị trong Truyện Kiều.

Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát, gồm 3.254 câu. Sau này, Truyện Kiều được chuyển ngữ sang chữ Quốc ngữ và chú giải bởi nhiều học giả nổi tiếng như Trương Vĩnh Ký, Kiều Oánh Mậu, Đào Duy Anh. Tác phẩm được giới phê bình xem là đỉnh cao của văn chương và tiếng Việt, trở thành cảm hứng cho nhiều đề tài nghiên cứu như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, Chữ nghĩa Truyện Kiều của Nguyễn Quảng Tuân.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

tieng-viet-van-viet-nguoi-viet-2806-6300-1694169835.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qAEUIG-3bMHcBCG-yRDYTQ

Bìa sách "Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt", tái bản năm 2021. Ảnh: Phương Nam Book

Tác phẩm tập hợp một số bài vở được đăng rải rác trên báo chí của giáo sư Cao Xuân Hạo từ năm 1982 đến 2001, bàn về một số vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, văn học và văn hóa của dân tộc. Hầu hết bài viết trong sách dễ dàng tiếp cận, do có ngôn từ súc tích, dễ hiểu, đồng thời nói lên những vấn đề trong việc sử dụng tiếng Việt.

Giáo sư Cao Xuân Hạo (1930-2007) là dịch giả, nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam. Ông được biết đến qua việc biên dịch các tác phẩm Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoy), Người con gái viên đại úy (A.S.Pushkin), Tội ác và hình phạt (Fyodor Dostoyevsky), Đèn không hắt bóng (Junichi Watanabe).

Giáo sư có nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Nhiều công trình nghiên cứu tiếng Việt và ngôn ngữ của ông gồm Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa, Âm vị học và tuyến tính.

Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa

51134d6fe8cd56a72d04397d9eb842-3474-8483-1694169835.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0mNRGAAayBlWOWRUPO8_3g

Bìa cuốn "Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa", tái bản năm 2017. Ảnh: NXB Khoa học Xã hội

Sách của giáo sư Cao Xuân Hạo viết về những vấn đề cơ bản của tiếng Việt, gồm những bài đã được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, báo cáo và bài giảng cho sinh viên. Theo giáo sư, người Việt hiểu và biết sử dụng tiếng mẹ đẻ để diễn đạt, nhận biết lỗi của câu sai quy tắc nhưng họ không thể giải thích những quy tắc ấy. Vì vậy, tác phẩm này được viết với mong muốn giúp mọi người sử dụng tiếng Việt một cách rõ ràng và chính xác.

Tác phẩm gồm ba phần, bàn về ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. Đây cũng được xem là tập hợp của hơn 40 năm nghiên cứu, suy nghĩ và tìm tòi về tiếng Việt của giáo sư Cao Xuân Hạo.

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

12-1692515930-1692515945-2133-8133-1906-1694169835.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OuU1VaiNIZWjq_iiFMTrkg

Bộ sách "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", tái bản hồi tháng 8. Ảnh: Minh Trung

Tác phẩm của giáo sư Nguyễn Đổng Chi gồm năm tập, trong đó có 201 truyện cổ tích. Tuyển tập là công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về mặt ngôn ngữ lẫn văn hóa dân gian. Sách được biên soạn và hoàn thành trong 25 năm, từ năm 1957 đến 1982.

Bộ sách được chia thành ba phần chính. Phần thứ nhất (in ở đầu tập một) giúp bạn đọc hiểu về bản chất truyện cổ tích, cách phân loại truyện cổ, phân biệt truyện cổ tích với truyền thuyết, lịch sử và tiểu thuyết. Phần thứ hai, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, chiếm dung lượng lớn, dành cho đông đảo bạn đọc đại chúng. Phần thứ ba (in ở cuối tập năm) là những nhận định tổng quát của tác giả về truyện cổ tích Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) là nhà ngôn ngữ học có hơn 50 năm cầm bút, đóng góp vào lĩnh vực sáng tác văn học, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán Nôm, khảo cổ.

Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam

tuc-ngu-ca-dao-dan-ca-viet-nam-3258-2182-1694169835.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RuuICRoZaNCrEMqBFVqvxQ

Bìa sách "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam", tái bản năm 2021. Ảnh: Phương Nam Book

Sách do Vũ Ngọc Phan sưu tầm và khảo cứu, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 trong lĩnh vực văn nghệ dân gian. Theo ông, tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam được xem là "khuôn vàng thước ngọc" trong nhiều sáng tác. Vì vậy, hiểu được tục ngữ, ca dao và dân ca là hiểu được "quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ xưa đến nay". Bởi lẽ, những thể loại này giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tiếng nói của dân tộc, đồng thời phản ánh sinh hoạt của nhân dân.

Vũ Ngọc Phan (1902-1987) là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học hiện đại và văn học dân gian Việt Nam. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về đặc điểm, giá trị đặc sắc của tục ngữ, ca dao và dân ca của các dân tộc Việt Nam.

Người Việt nói tiếng Việt

nguoi-viet-noi-tieng-viet-1694-5862-7979-1694169835.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_PWD1Kxsf_EkE-7h5VoP-Q

Bìa sách "Người Việt nói tiếng Việt", xuất bản hồi tháng 6. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM

Sách của nhà báo Nguyễn Quang Thọ chấp bút, dựa trên kinh nghiệm đúc kết hàng ngày. Tác phẩm như cuốn cẩm nang được đúc kết từ 10 năm làm báo của tác giả, biên tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ thông dụng trong đời sống chưa từng xuất hiện trong từ điển.

Bên cạnh những câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, tác giả bàn về những thành ngữ thông dụng nhưng bị giải nghĩa sai lệch hoặc cần hiểu theo cách khác. Theo Nguyễn Quang Thọ, xã hội phát triển không ngừng dẫn đến việc nhiều từ ngữ mới xuất hiện, vì thế những thành ngữ, tục ngữ cần được giải nghĩa chi tiết hơn trước. "Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã", tác giả nói.

Ngạn Bình

g-news247