Anh Võ Xuân Chiến (32 tuổi, Gò Vấp, TP HCM), cho biết nhà ở thường ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Môi trường ẩm thấp, dầm mình trong nước để dọn đồ đạc và di chuyển giữa làn nước đen. Nước ngập sâu khiến anh thỉnh thoảng bị sụp hố ga, ổ gà trên đường gây trầy xước tay chân. Do đó, anh được tư vấn tiêm vaccine cúm, uốn ván, thương hàn để phòng các bệnh có nguy cơ lây lan qua nước bẩn.
Còn anh Nguyễn Thành Lợi (45 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam), cho biết nơi sinh sống thường xuyên bị lũ lụt, ngập nặng, có nơi ngập sâu hơn 1,8 m. Sau khi nước rút, cha mẹ anh mắc cúm, còn hai con mắc tiêu chảy. Năm nay, anh chủ động đưa gia đình đi tiêm vaccine ngừa cúm, bệnh đường ruột trước mùa bão, lũ về.
Đầu tháng 9, Trung tâm tiêm chủng VNVC ghi nhận lượng người đi tiêm cúm, uốn ván, thương hàn, tả tăng cao, trong đó cúm tăng 50%, tả tăng 30%. Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Việt Nam thường ghi nhận các cơn bão diễn ra vào cuối năm, bắt đầu từ tháng 9, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh truyền nhiễm phát triển, ví dụ cảm lạnh, cúm, viêm đường hô hấp, viêm họng, tả, thương hàn, viêm gan A...
Theo bác sĩ Chính, một số bệnh nói trên có thể chủ động phòng ngừa hoặc giảm biến chứng nhờ tiêm chủng vaccine. Đầu tiên, mọi người cần phòng bệnh cúm và bệnh đường hô hấp. Không khí ẩm lạnh của mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi để virus cúm tồn tại lâu hơn trong môi trường tự nhiên và dễ lây lan hơn. Bệnh có nguy cơ biến chứng ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền... Cúm còn là tác nhân làm tăng nguy cơ đồng nhiễm các virus, vi khuẩn nguy hiểm khác và làm nặng thêm tình trạng bệnh nền có sẵn.
Mùa mưa bão cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa khi uống phải nước, động vật có vỏ hoặc các thực phẩm nhiễm mầm bệnh. Khoảng 75% người nhiễm vi khuẩn tả không biểu hiện triệu chứng, tuy nhiên vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7 đến 14 ngày. Tả có thể dẫn đến các biến chứng như sốc mất nước, trụy tim mạch, suy thận, tử vong khi không được điều trị kịp thời.
Còn thương hàn lây thông qua đường tiêu hóa. Mùa mưa bão, nguồn nước bị ô nhiễm là một trong các điều kiện thuận lợi lây lan mầm bệnh thương hàn trong cộng đồng. Bệnh có thể gây các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như sốt liên tục, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng, buồn nôn, tiêu chảy xen kẽ táo bón, phát ban đỏ, li bì, mê sảng. Khoảng 10% đến 15% trường hợp mắc bệnh có thể gặp phải các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm màng não.
Cuối cùng là bệnh viêm gan A, dễ lây lan ở môi trường có điều kiện vệ sinh kém, bị ô nhiễm, ví dụ sau mưa bão, ngập lụt. Mọi người có thể nhiễm mầm bệnh khi uống phải nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với người mắc bệnh. Bệnh lây lan nhanh trước khi các triệu chứng xuất hiện nên khó phòng tránh.
Bác sĩ Chính khuyến cáo mọi người nên tiêm chủng sớm trước khi bão về cơ thể kịp sinh miễn dịch với bệnh. Ngoài ra, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Sau bão, người dân cần rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và khử trùng nước trước khi ăn uống và sinh hoạt. Nếu có xác động vật, mọi người cần thu gom, xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhật Linh