Ngày 18/8, máy bay riêng của Yevgeny Prigozhin hạ cánh xuống thủ đô Cộng hòa Trung Phi, một trong những quốc gia châu Phi đầu tiên ký hợp đồng đảm bảo an ninh với tập đoàn Wagner. Công ty quân sự tư nhân này được cho là đã triển khai khoảng 5.000 tay súng hỗ trợ các chiến dịch chống phiến quân ở Cộng hòa Trung Phi và một số nước châu Phi khác để đổi lấy những hợp đồng khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, danh tiếng của Wagner ở châu Phi chịu tổn hại nghiêm trọng sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga hồi cuối tháng 6. Nhiệm vụ của Prigozhin trong chuyến đi tới Cộng hòa Trung Phi là tiếp tục giữ chân khách hàng này để đảm bảo vị thế tương lai cho tập đoàn.
Tại dinh thự bên bờ sông ở thủ đô Bangui, ông Prigozhin nói với Tổng thống Faustin-Archange Touadera rằng cuộc nổi loạn hồi tháng 6 sẽ không cản trở ông triển khai thêm lực lượng và đầu tư cho đối tác ở Trung Phi, theo ba nguồn tin biết về cuộc gặp.
Prigozhin cũng tuyên bố Wagner sẽ tăng cường hiện diện để đảm bảo an ninh và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư mới vào nông nghiệp ở đây.
Không lâu sau, một trực thăng của Wagner chở 5 chỉ huy của Lực lượng Hỗ trợ nhanh Sudan, nhóm vũ trang được Wagner hậu thuẫn ở quốc gia láng giềng với Cộng hòa Trung Phi, hạ cánh gần đó. Phái đoàn này mang tới cho ông Prigozhin những thỏi vàng từ các mỏ mà lực lượng Wagner giúp bảo vệ ở miền tây Sudan, nơi bị xung đột tàn phá.
Ông Prigozhin sau đó ghé qua Mali, nơi cũng có hiện diện của các tay súng tập đoàn Wagner, trước khi trở về Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận Prigozhin đã làm việc ở châu Phi trong lĩnh vực dầu khí, kim loại quý và đá quý. Theo Tổng thống Nga, trùm Wagner vừa trở về từ châu Phi vào ngày 23/8 và đã gặp một số quan chức Nga.
Nhưng đó có thể là chuyến thăm châu Phi cuối cùng của ông trùm Wagner. Giới chức Nga ngày 23/8 thông báo một chiếc Embraer Legacy 600 rơi tại tỉnh Tver khi đang bay từ thủ đô Moskva tới thành phố St. Petersburg, toàn bộ 10 người trên máy bay thiệt mạng.
Giới chức Nga cho hay trong danh sách 7 hành khách trên máy bay có tên của Prigozhin, nhưng chưa cơ quan nào xác nhận trùm Wagner còn sống hay đã chết.
Tổng thống Putin ngày 24/8 gửi lời chia buồn tới thân nhân những thành viên Wagner gặp nạn trên chuyến bay, nhưng không đề cập tên từng người. Ông Putin sau đó nói trùm Wagner là người có "chuyện đời phức tạp" và đã phạm một số sai lầm trong quá khứ, song là người có tài và đã đóng góp nhiều cho nước Nga.
Sau vụ nổi loạn, Prigozhin trở nên kín tiếng và ít khi xuất hiện trên truyền thông, nhưng cũng từng mỉa mai về cái chết có thể xảy đến.
"Tất cả chúng tôi rồi sẽ xuống địa ngục. Nhưng ở đó, chúng tôi sẽ là những người giỏi nhất", ông Prigozhin nói trong video được đăng ngày 23/8 trên tài khoản Telegram Grey Zone, kênh thường đăng các tuyên bố chính thức của Wagner.
Nhiều quốc gia châu Phi, Trung Đông ít nhiều phụ thuộc vào lực lượng Wagner của Prigozhin để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, những hợp đồng này trở nên bấp bênh sau khi chính phủ Nga bắt đầu siết chặt kiểm soát mạng lưới của Wagner.
Nga đã yêu cầu các thành viên Wagner ký hợp đồng phục vụ quân đội, những người không chấp thuận đề nghị sẽ phải chuyển tới doanh trại ở Belarus. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cử phái đoàn đến thông báo cho các chính phủ nước ngoài rằng họ sẽ làm việc trực tiếp với chính phủ Nga.
Đặc vụ của Cơ quan An ninh Nga (FSB) đã đột kích trụ sở của Wagner ở thành phố St. Petersburg để tìm chứng cứ chống lại Prigozhin. Cơ quan thực thi pháp luật Nga cũng tịch thu máy tính và máy chủ tại tập đoàn truyền thông Patriot của Prigozhin.
Các kênh truyền thông ủng hộ Wagner đã bị chặn ở Nga và một số công ty con của ông trùm Prigozhin bị cơ quan an ninh Nga khám xét. Họ tuyên bố tìm thấy súng, hộ chiếu giả, tiền mặt và số vàng thỏi tương đương 48 triệu USD. Giới quan sát cho rằng vụ nổi loạn đã chấm dứt mọi tham vọng chính trị của Prigozhin ở Nga.
Tuy nhiên, ông trùm Wagner vẫn hy vọng có thể cứu vãn tương lai của tập đoàn nhờ những hợp đồng an ninh mà ông đã ký kết ở châu Phi và Trung Đông.
Một đơn vị lính đánh thuê Wagner mới được thành lập để hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi đảm bảo an toàn cho cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 8 về việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ với tổng thống. Một đơn vị khác cũng được xây dựng để huấn luyện lực lượng an ninh địa phương. Wagner cũng triển khai thêm lính để củng cố an ninh dọc biên giới với Congo, nhằm ngăn các cuộc tấn công xuyên biên giới của phiến quân Hồi giáo.
"Chúng tôi không rút quân, mà thay vào đó sẵn sàng tăng cường lực lượng. Chúng tôi sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình, bất kể điều gì xảy ra", Prigozhin nói với hãng tin Afrique Media ở Cameroon hồi tháng 7.
Cuối tháng đó, 5 tuần sau cuộc nổi loạn, ông bắt đầu kết nối với các quan chức châu Phi tại khách sạn Trezzini Palace ở St. Petersburg, nơi lưu trú của các phái đoàn tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi. 17 nguyên thủ quốc gia châu Phi tham dự sự kiện, trong đó có tổng thống Cộng hòa Trung Phi Touadera.
Prigozhin xuất hiện trong bức ảnh bắt tay Freddy Mapouka, quan chức phụ trách lễ tân của Tổng thống Touadera. Tuy nhiên, không lãnh đạo châu Phi nào dự hội nghị xuất hiện cạnh Prigozhin.
Đây có thể là lý do khiến ông trùm Wagner lo ngại rằng các hoạt động đảm bảo an ninh ở châu Phi đang được chuyển giao cho cơ quan tình báo quân sự Nga GRU, theo kênh Telegram VchK-OGPU của Nga thường hay rò rỉ tin tức từ FSB.
Trong cùng tuần diễn ra hội nghị thượng đỉnh, lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger Mohamed Bazoum tiến hành đảo chính, lập chính quyền quân sự mới. Lãnh đạo Wagner đã đề xuất gửi lực lượng tới Niger giúp củng cố chính quyền quân sự. Đồng minh của ông ở Mali cũng đã gặp giới lãnh đạo mới của Niger sau cuộc đảo chính.
Cho đến nay, Niger dường như chưa nhận lời đề nghị hỗ trợ an ninh của Wagner, theo các quan chức Mỹ và Tây Phi. Tuy nhiên, các đám đông tuần hành ủng hộ đảo chính ở thủ đô Niamey đã vẫy cờ Nga và mong muốn Moskva đảm bảo an ninh cho họ.
Lo ngại viễn cảnh các nhóm được Wagner hậu thuẫn sẽ mở rộng hoạt động khắp Tây và Trung Phi, nước láng giềng Nigeria cùng khối Tây Phi đã đe dọa can thiệp quân sự để yêu cầu chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum.
Trong lúc Prigozhin tới châu Phi để trấn an các đối tác, Bộ Quốc phòng Nga cũng cử một phái đoàn do Thứ trưởng Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov dẫn đầu tới Libya hôm 22/8, theo lời mời của Haftar, lãnh chúa từng thuê Wagner bảo vệ các giếng dầu và lãnh thổ.
Cuộc nổi loạn của Wagner đã khiến lãnh chúa này lo lắng về khả năng tiếp tục hiện diện của tập đoàn quân sự tư nhân Nga ở Libya, theo Mohamed Eljarh, giám đốc điều hành công ty tư vấn an ninh Libya Desk có liên hệ với nhóm Haftar.
"Họ cảm thấy nếu Wagner có thể nổi loạn ở Nga, họ cũng có khả năng làm chuyện đó tại Benghazi", Eljarh nói, cho hay lãnh chúa Haftar đã quay sang thảo luận về hợp tác quốc phòng với chính phủ Nga, thay vì các tay súng Wagner.
Theo thỏa thuận, các sĩ quan tình báo Nga sẽ đóng quân ở Benghazi và một công ty lính đánh thuê mới sẽ thay thế Wager ở Libya. Haftar cũng yêu cầu Nga cung cấp thêm phụ tùng thay thế, bảo trì và huấn luyện cho phi đội máy bay già cỗi, cũng như đề nghị Moskva hỗ trợ máy bay không người lái của Iran, loại đang được sử dụng ở chiến trường Ukraine.
"Ông Putin từng nói với tôi rằng Libya rất quan trọng đối với chúng tôi", Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yevkurov nói với lãnh chúa Haftar. "Đây là quốc gia có lực lượng Wagner mà chúng tôi tới thăm đầu tiên".
Thanh Tâm (Theo WSJ)