"Họ phá dỡ mọi thứ. Chúng tôi không còn gì", Jayanti Devi, 56 tuổi, nói khi cố gắng thu dọn đồ đạc từ đống đổ nát.
Suốt 30 năm qua, bà sống trong ngôi nhà tạm nằm trên vỉa hè xuống cấp, cạnh cống thoát nước lộ thiên, đối diện Pragati Maidan, trung tâm hội nghị sẽ đón tiếp các lãnh đạo G20 tới dự hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Ấn Độ tuần này.
Chính quyền New Delhi đang nỗ lực phá dỡ hàng loạt khu ổ chuột xây dựng trái phép khắp thành phố, trước khi các lãnh đạo G20 đến đây. Giới chức tuyên bố sẽ tái định cư cho hàng chục nghìn cư dân bị ảnh hưởng.
Hình ảnh về Ấn Độ mà Thủ tướng Narendra Modi muốn thể hiện ở G20 là một cường quốc thời hiện đại, tiếng nói của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng chiến dịch phá dỡ khu ổ chuột là một phần của dự án "đẹp hóa" nhằm gây ấn tượng với quan khách nước ngoài.
"Họ không muốn người khác nhìn thấy cảnh nghèo đói ở đất nước", Harsh Mandeer, nhà hoạt động xã hội làm việc với các gia đình vô gia cư và trẻ em đường phố, nói.
Chính quyền New Delhi và chính phủ Ấn Độ chưa bình luận về vấn đề này, nhưng trong văn bản gửi lên quốc hội hồi tháng 7, chính phủ Ấn Độ cho hay chiến dịch phá dỡ khu ổ chuột "không liên quan" tới hội nghị G20.
New Delhi từ lâu là thành phố chênh lệch giàu nghèo nổi tiếng. Đây là nơi các triệu phú sống trong những biệt thự lấp lánh ngay cạnh các hộ gia đình vô gia cư sống trên vỉa hè. Đây là thành phố thu hút nhiều hoạt động kinh doanh và nhu cầu làm việc ngày càng tăng.
Thủ đô Ấn Độ có khoảng 16 triệu người sinh sống, theo điều tra dân số năm 2011, nhưng chỉ 23,7% sống ở các khu dân cư "được quy hoạch" hoặc "được phê duyệt", báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi có đoạn. Số còn lại sinh sống trong các khu ổ chuột, thôn xóm hoặc khu dân cư tự phát.
Hồi tháng 4, Savita và 4 con gái tuyệt vọng đứng nhìn xe ủi san phẳng khu nhà họ ở. Đây là khu dân cư trái phép nằm cạnh pháo đài Tughlaqabad có từ thế kỷ 14 và là biểu tượng của New Delhi. Ngôi nhà nhỏ của Savita, nơi gia đình cô sinh sống 7 năm, nay chỉ còn là đống đổ nát.
Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI), đơn vị thực hiện công tác phá dỡ, tuyên bố Savita và hàng xóm đã lấn chiếm đất, dựng nhà trái phép. Trong thông báo gửi đến cư dân hồi tháng 1, ASI yêu cầu những người lấn chiếm phải dỡ bỏ "các công trình tự xây dựng trái phép trong vòng 16 ngày".
Savita cho hay cô biết gia đình mua đất trái phép khi xây nhà năm 2016. "Chúng tôi hiểu rõ rủi ro đang đối mặt. Nhưng chúng tôi nghèo và đó là tất cả những gì chúng tôi mua được", cô nói. "Người ta đã sống ở đây hơn 40 năm. Tại sao chính quyền không phá dỡ sớm hơn mà bây giờ mới phá?"
Hơn 100.000 cư dân mất nhà cửa ở khu vực Tughlaqabad hồi tháng 4 đã đệ đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao nhờ sự hỗ trợ của luật sư. Không có nơi để đi, không có tiền thuê nhà, nhiều người phải sống dưới những tấm bạt chăng tạm trên mặt đất lổn nhổn.
Đây không phải lần đầu chính quyền Ấn Độ tiến hành phá dỡ khu ổ chuột trước một sự kiện quốc tế quy mô lớn. Năm 2010, khi đảng Quốc đại Ấn Độ nắm quyền, người ăn xin bị ép rời khỏi đường phố New Delhi và khu ổ chuột bị phá dỡ trước thềm Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung, khiến cuộc sống của hàng chục nghìn người ở thủ đô bị ảnh hưởng.
Nhà hoạt động xã hội Mander cho rằng chính quyền không công bằng khi nhắm đến những gia đình nghèo sinh sống trên đất trái phép bởi "thành phố được quy hoạch theo cách không có nơi nào cho họ sinh sống hợp pháp".
Chính quyền Delhi cho hay sẽ có chính sách tái định cư cho gia đình Savita nhưng tới nay, cô vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào và đang kiện ra tòa. Gia đình cô sống tạm trong căn hộ hai phòng ngủ của họ hàng tại một khu ổ chuột đông đúc và chật chội.
Mùi hôi thối của phân bò tràn ngập cống rãnh, nơi hàng nghìn con ruồi bay ngoài cửa, mèo hoang ghẻ lở lang thang khắp con hẻm.
"Các con tôi không thích ở đây", Savita nói. "Chúng hỏi tôi tại sao gia đình ta lại gặp chuyện này. Tôi biết nói gì với các con đây?"
Từ khi đảm nhận cương vị chủ tịch G20 năm nay, Thủ tướng Modi coi Ấn Độ là một siêu cường tự tin và hiện đại, là nơi lên tiếng vì những quốc gia không có tiếng nói trong thế kỷ 21. Tháng trước, Ấn Độ thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới làm được điều này.
"Thế giới trông đợi vào G20 để xoa dịu thách thức về tăng trưởng, phát triển, phục hồi kinh tế, phục hồi sau thảm họa, ổn định tài chính, đối phó tội phạm xuyên quốc gia, tham nhũng, khủng bố, lương thực và an ninh năng lượng", ông Modi phát biểu hồi tháng 2.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng điều trớ trêu là nhiều người Ấn Độ nghèo khó nhất đang sống chật vật ở quê nhà. Đứng giữa đống đổ nát từng là nhà suốt 7 năm, Savita cho hay cô từng nuôi nhiều giấc mơ cho gia đình. "Tôi muốn các con lớn lên ở đây. Tôi muốn cho chúng hưởng nền giáo dục ổn định", cô tâm sự.
Giờ đây, chỉ có nhân viên bảo vệ đứng canh gác khu vực Tughlaqabad khi công nhân xây tường bao quanh khu đất. Devi, người đến từ Pragati Maidan, buộc phải sống trong căn lều tạm bợ trên vỉa hè gần đó giữa cái nóng mùa hè oi bức, cho hay không ai giúp đỡ tìm nơi ở thay thế.
Cô bán trà và đồ ăn vặt kiếm sống, xung quanh là rác đang phân hủy và cống thoát nước lộ thiên thu hút ruồi muỗi. Savi cảm thấy thất bại và cô đơn.
"Nghèo đói khiến chúng tôi bất lực", Devi nói. "Chúng tôi không thể lên tiếng".
Hồng Hạnh (Theo CNN)