Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Nỗi lo lắng hàng hóa bước vào chu kỳ tăng giá mới

Thứ hai, 11/09/2023 | 18:38
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng có nhiều khả năng được điều chỉnh tăng lên vào những tháng cuối năm, khi mà nỗ lực giữ giá bán của các nhà sản xuất, nhà cung ứng đã đi đến cực hạn. Trên thực tế, thị trường đang ghi nhận dấu hiệu các chi phí và nguyên liệu đầu vào sản xuất tiếp tục gia tăng.

  • Giá xăng dầu và giá gạo góp phần đẩy CPI, lạm phát tăng
  • Giá xăng liên tục tăng, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa

Thời gian gần đây, các nhà bán lẻ, chủ hệ thống siêu thị cho biết họ đã nhận nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm từ các nhà cung cấp hàng hóa. Điều này sẽ làm tăng thêm nỗi lo lắng của nhiều gia đình, người lao động khi mà họ đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn do bị giảm thu nhập, thậm chí là thất nghiệp bởi các nhà sản xuất rơi vào tình trạng bị sụt giảm, hoặc mất đơn hàng kéo dài.

Nhiều người tiêu dùng lo lắng hàng hóa sẽ điều chỉnh tăng trong bối cảnh thu nhập sụt giảm nhiều. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nhà sản xuất đang gồng mình giữ giá

Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, đáng chú ý là thực phẩm, nước uống giải khát cho rằng có khả năng cao giá sản phẩm hàng hóa thời gian tới sẽ phải điều chỉnh tăng lên khi mà chi phí đầu vào và nguyên vật liệu sản phẩm đã và đang tiếp tục tăng lên.

Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất Bột Quốc Tế (Intermix), từ đầu năm đến nay giá nhiều nguyên liệu đầu vào để sản xuất tăng cao. Đáng chú ý, có nguyên liệu đầu vào tăng đến 100% như bộ bắp nhập từ các nước châu Âu tăng lên đến khoảng 50.000 đồng/kg từ mức 25.000 đồng/kg trước đó.

Theo bà Trinh, thời gian qua hầu hết các nguyên vật liệu cho sản xuất đều tăng giá, và tính ra mức trung bình cho đầu vào sản xuất tăng khoảng 15% nhưng đến nay công ty chưa dám điều chỉnh giá bán với khách hàng.

“Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị sụt giảm nhiều và cạnh tranh gay gắt, các khách hàng rất khó khăn nên Intermix chưa thể đánh tiếng điều chính giá bán theo đà tăng đầu vào sản xuất”, bà Trinh chia sẻ, và cho rằng:”Chúng tôi cố gắng giữ giá bán cho các khách hàng là nhà sản xuất đến cuối năm”.

Thời gian qua, công ty đã cố gắng giữ giá bán tốt cho khách hàng để duy trì lượng khách hàng và chia sẻ tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh trong năm nay, Intermix xác định giảm lợi nhuận, thậm chí là không có lợi nhuận, và đáng chú ý là giữ việc làm cho người lao động.

Không chỉ tại Intermix, mà theo các doanh nghiệp sản xuất, tình hình nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất (giá điện tăng), và đáng chú ý là sau 5-6 lần điều chỉnh giá xăng, dầu tăng liên tiếp trong 2 tháng gần đây dẫn đến vận chuyển tăng.

Ảnh minh họa: Hùng Lê

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cũng cho rằng một khi xăng dầu tăng lên thì đẩy chi phí dịch vụ vận chuyển tăng. “Chi phí vận chuyển tăng thì sẽ ảnh hưởng đến các chi phí khác tăng theo”, ông Hiến cũng là Phó Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, nhận định.

Đó là chưa kể giá gạo xuất khẩu thế giới tăng cao ảnh hưởng đến tâm lý tăng giá mặt hàng này ở trong nước. Đáng chú ý là mặt hàng đường trên thị trường đã có những biến động bất thường và bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị dẫn tới giá có thể đẩy lên cao quá mức. Trong khi đây là nguyên liệu sản xuất chế biến cho nhiều mặt hàng thực phẩm và nước uống.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8-2023 do S&P Global khảo sát và công bố gần đây cũng cho thấy giá cả đầu vào sản xuất của doanh nghiệp trong tháng 8 vừa qua tăng mạnh. Một số thành viên nhóm khảo sát của S&P Global cho rằng nguyên nhân tăng chi phí đầu vào là do giá dầu tăng, trong khi giá thực phẩm tăng cũng được nhắc đến.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, một khía cạnh từ kỳ khảo sát này là cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng trong tháng 8, và lý do thường được cho là giá xăng dầu tăng.

Hàng hóa chực chờ tăng giá bán

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm nay đã phải cắt giảm sản xuất do không có đơn hàng mới hoặc thu hẹp quy mô của đơn hàng đã ký kết. Thu nhập của các công ty và người lao động giảm, chi tiêu thắt chặt là yếu tố kiềm chế tăng giá bán.

Tuy nhiên, sau khi mức lương cơ sở điều chỉnh tăng lên thêm hơn 20% từ ngày 1-7 vừa qua và có đến 5 lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng liên tiếp gần đây, nhiều người tiêu dùng lo ngại tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo.

Đáng chú ý, chi phí cho xăng dầu chiếm tới khoảng 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Do đó, giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng trong hai tháng gần đây đã gây áp lực lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước đó, giá điện đã được điều chỉnh tăng 3%, trong khi năng lượng là một trong những chi phí đầu vào quan trọng cấu thành nên giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí sản xuất và nguyên liệu đầu vào tăng sẽ dẫn đến hàng hóa trên thị trường điều chỉnh tăng theo trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Đó là chưa kể đến gần đây các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào sản xuất phổ biến đang tạo “cơn khát” trên thị trường thế giới và trong nước như gạo, đường, và các gia vị khác cũng được các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối than rằng giá cả đang trên đà tăng của các nhà cung cấp và nhập khẩu.

Trên thực tế các nhà bán lẻ và chủ một số hệ thống siêu thị cho biết thời gian qua đã nhận được yêu cầu điều chỉnh tăng giá bán của các nhà cung cấp hàng hóa và các yếu tố tăng giá bán của nhà cung cấp đều được cho là chính đáng.

Tuy nhiên do tình hình khó khăn chung về nền kinh tế và thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng sụt giảm thời gian qua nên các nhà bán lẻ vẫn cố gắng dùng biện pháp kỹ thuật để kềm giá bán, yêu cầu nhà cung cấp chưa thể tăng giá bán hoặc hai bên cùng chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng.

Đơn cử như nhà bán lẻ hàng đầu trong nước Saigon Co.op, đơn vị đang vận hành hàng loạt chuỗi bán lẻ lớn khắp cả nước, cho biết đã nhận được yêu cầu điều chỉnh tăng giá bán của các nhà cung cấp từ những tháng gần đây.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hơn 2 tháng nay, nhà bán lẻ này nhận được hơn 100 nhà cung cấp đề nghị điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa. Theo ông Đức, khi đưa ra đề nghị tăng giá bán hàng hóa, phần lớn các nhà cung cấp đều đưa ra lý do khá hợp lý như giá điện tăng, xăng dầu thời gian qua cũng liên tục điều chỉnh tăng lên; chi phí logistics, hoặc các chi phí liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào tăng,…

Đáng chú ý, những mặt hàng lương thực, thực phẩm có liên quan đến nguyên liệu đầu vào như gạo, đường, dầu ăn, ngũ cốc… có xu hướng tăng lên lên và dao động khá nhiều. Có sản phẩm, nhà sản xuất đề nghị tăng đến 20%.

Một số nhà cung cấp còn đề nghị điều chỉnh tăng giá bán chỉ sau 2 tuần thông báo. Tuy nhiên nhận thấy tình hình thị trường còn nhiều khó khăn nên Saigon Co.op đã cố gắng trì hoãn việc tăng giá bán theo đề nghị của các nhà cung cấp.

Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, ông Đức cũng cho rằng trong tình hình thị trường và người tiêu dùng khó khăn thì các nhà bán lẻ cũng đang có sự dòm ngó nhau về giá bán hàng hóa để cạnh tranh nên việc điều chỉnh giá bán tăng cũng phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.

Lương thực – thực phẩm đang có dấu hiệu tăng giá khi mà đầu vào sản xuất ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Nhận câu hỏi dự báo đến Tết cổ truyền tới liệu rằng các nhà sản xuất và nhà bán lẻ có thể tiếp tục cùng nhàu kềm lại, giữ giá bán hàng hóa, vị Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ cho rằng sẽ rất khó. Vì từ đây đến Tết phải còn đến gần 5 tháng nữa thì e rằng doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu không nổi việc không điều chỉnh tăng giá bán.

Riêng tại Saigon Co.op, ông Đức cho rằng nhà bán lẻ này sẽ làm việc với từng nhà cung cấp và cùng nhau chia sẻ để có giá bán hợp lý với người tiêu dùng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường thì vẫn phải theo tình hình cung – cầu.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, ông Nguyễn Đặng Hiến cũng cho rằng diễn biến giá xăng dầu gần đây liên tục có sự điều chỉnh tăng và một số nguyên liệu đầu vào sản xuất cũng tăng sẽ dẫn đến hàng hóa bán ra cũng phải điều chỉnh tăng theo không sớm thì muộn.

Theo các chuyên gia, với việc giá xăng, giá gạo và nhiều hàng hóa khác có dấu hiệu tăng trở lại thì phải cẩn trọng theo dõi chặt chẽ lạm phát. Vì nếu lạm phát tăng mạnh sẽ tác động đến chính sách tiền tệ, tạo sức ép lên cuộc sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Nhìn nhận tình trạng “té nước theo mưa” sẽ khó tránh khỏi, các chuyên gia kinh tế lưu ý đến vai trò của các cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ là rất cần thiết để ổn định thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sản xuất, kết nối sản xuất với tiêu thụ hàng hóa để tạo nguồn cung dồi dào, giá cả phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương, trong đó có TPHCM cũng đã triển khai các chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 được tổ chức trong ba tháng, kéo dài đến hết ngày 15-9-2023 với sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, hơn 7.000 hoạt động khuyến mãi. Các nhà bán lẻ triển khai hàng loạt chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm; nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng. Điều này được cho là rất thiết thực trong tình hình hiện nay.

Đáng chú ý, từ ngày 1-7 đến 31-12-2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, từ mức 10% xuống còn 8% của Chính phủ chính thức được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ðiều chỉnh này góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán và giảm chi phí trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hằng ngày. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách này cần kéo dài thời gian áp dụng hơn nữa để hỗ trợ nhà sản xuất và cả người tiêu dùng trong tình hình khó khăn được dự báo còn kéo dài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, nhất là những tháng cận Tết dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân tăng lên tiềm ẩn khả năng giá cả hàng hóa tăng giá, nguy cơ lạm phát bùng phát.

Thực tế cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước đó, nguyên nhân là do giá xăng dầu, giá gạo và giá thuê nhà tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8-2023 tăng 2,02% so với tháng 12-2022, và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Đáng chú ý, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

g-news247