Nữ hoàng Elizabeth II và thẩm mỹ thời trang sang trọng đồng nhất
Từ chiếc đầm ở lễ lên ngôi vào năm 1953 đến chiếc khuy cài áo biểu trưng cho lòng trắc ẩn dành cho những nạn nhân của COVID-19 vào năm 2020, có thể nói, Nữ hoàng Elizabeth II là chính trị gia đầu tiên đưa ra khái niệm “thời trang ngoại giao” – sử dụng trang phục và phụ kiện để bày tỏ lập trường chính trị, cảm xúc và suy nghĩ trong các sự kiện quan trọng. Bà nhận thấy thời trang còn mang nhiều ý nghĩa hơn so với chức năng ban đầu của nó là nâng tầm phong cách. Bởi điều mà công chúng quan tâm hơn cả mỗi khi Nữ hoàng Anh xuất hiện không phải là những lễ rước hoành tráng, hay những bài diễn thuyết mà là thời trang và phụ kiện nào được “biểu tượng thời trang hoàng gia” khoác lên người. Từ đó, bà muốn tận dụng khía cạnh “góc nhìn thị giác” của thời trang để truyền tải thông điệp nào đó cho công chúng.
Đầm lên ngôi của Nữ hoàng Elizabeth II (1953): Thêu dệt nên giấc mơ thịnh vượng
Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy thông điệp chính trị sâu sắc được Nữ hoàng Elizabeth II thể hiện qua bộ lễ phục lên ngôi vào tháng 6/1953. Chiếc đầm do Norman Hartnell thiết kế với phom chít eo, tay ngắn và phần thân dưới dài gồm nhiều lớp bên trong để tạo độ phồng bồng bềnh. Kỹ thuật thêu nổi đạt đến đẳng cấp thượng thừa với các chi tiết thêu hoa hồng Tudor, cây kế, tỏi tây và cỏ ba lá, biểu trưng cho Vương quốc Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.
Khi mục sở thị các bức vẽ phác thảo chiếc đầm từ nhà thiết kế lỗi lạc Norman Hartnell, người đã tham khảo chủ nghĩa tượng trưng từ Vua vũ khí chính Garter, Nữ hoàng Elizabeth II đã đưa ra một phụ lục quan trọng liên quan đến chính trị. Khi đó, Hartnell đã bỏ qua Khối Thịnh vượng chung nên chỉ có bốn loài hoa biểu tượng của Vương quốc Anh xuất hiện trên chiếc đầm. Sau khi được Nữ hoàng thông qua, ông kết bốn loài hoa đó lại với nhau tạo thành một vòng hoa ôm lấy những đóa hoa biểu tượng của Khối thịnh vương chung, gồm hoa protea Nam Phi và hoa keo vàng Úc, nhằm khẳng định tầm quan trọng của các quốc gia này.
Phong cách thời trang thập niên 60 của Nữ hoàng Elizabeth II
Quay trở về thập niên 60, Nữ hoàng Elizabeth II tận hưởng lối sống tự do và phóng khoáng nhưng không vì thế mà xa rời quy cũ, nề nếp vốn có của gia đình hoàng gia. Thời kỳ này cũng đánh dấu bước chuyển mình táo bạo của thời trang nữ với những thiết kế âu phục đầy mạnh mẽ và quyền lực “mượn” từ tủ đồ thời trang quý ông. Hình ảnh một nữ hoàng “cao cao tại thượng” trở nên gần gũi hơn bao giờ hết trong những bộ âu phục, đầm ngắn, tự do nhưng trang nhã, trẻ trung mà hết mực thanh lịch.
Nhìn chung, đây là thập niên mà Nữ hoàng Elizabeth II xây dựng hình ảnh bền vững cho suốt thời gian tại vị. Phần viền trang phục được làm cao nhưng không bao giờ cao hơn xương bánh chè. Có lẽ chiếc đầm mà bà diện ngắn nhất từ khi lên ngôi cho đến Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì là chiếc đầm tại lễ phong chức Thân vương xứ Wales cho Hoàng tử Charles vào năm 1969. Đặc biệt, việc kết hợp trang phục hiện đại với chiếc mũ thời trung cổ như lời tôn vinh những giá trị cổ xưa và mong muốn lưu giữ những giá trị ấy trường tồn với thời gian.
Tuyên ngôn thời trang trong thời đại TV màu từ Nữ hoàng Elizabeth II
Trong những năm 1960, Nữ hoàng Elizabeth II thường ưu ái các bộ âu phục tối giản làm bằng chất liệu vải gabardine – loại vải bền, cứng cáp và chắc chắn khi dựng phom – lấy cảm hứng từ các thiết kế lừng lẫy của các nhà mốt lúc bấy giờ như André Courrèges, Pierre Cardin và Yves Saint Laurent, gồm áo khoác boxy, chân váy chữ A và đầm suông. Đặc biệt, những bộ trang phục này còn được điểm xuyết thêm khuy cài áo vương giả như gợi nhớ về di sản truyền thống.
Nếu so với lúc trước (tính từ cột mốc thập niên 1960) thì truyền hình vẫn còn là một công nghệ xa xỉ, khi đó, thiết bị tiên tiến nhất mỗi hộ gia đình khá giả có thể sở hữu chỉ là những chiếc vô tuyến trắng đen thì đến cuối thập niên 60, sự ra đời của truyền hình màu khiến các thước phim mang màu sắc sống động hơn. Song song đó, đây cũng là thập kỷ quan trọng chứng kiến sự thống trị của các tông màu sáng, trơn như đỏ tươi, xanh da trời, xanh trong, xanh bạc hà, vàng hoa thủy tiên. Và hiển nhiên, một trong những nhân vật nổi bật luôn xuất hiện trong các bản tin tại Anh quốc và nhiều quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ phải kể đến Nữ hoàng Anh trong những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ, vừa trẻ trung vừa sang trọng, đặt nền móng sơ khai cho quảng bá thời trang bằng phương tiện truyền thông.
Thật vậy, trên cương vị là người trị vì của cả một đế chế hùng mạnh, Nữ hoàng không cho phép bản thân mềm yếu, từ trong phong cách sống cho đến cách ăn mặc. Bà không bao giờ diện những bộ trang phục theo xu hướng, kiểu tóc luôn được chăm chút gọn gàng, ngắn vừa phải. Trong khi em gái – Công chúa Margaret – thích “chơi đùa” cùng thời trang thì Elizabeth II lại chọn cách giữ gìn hình ảnh của mình luôn đẹp trong mắt công chúng bằng những bộ trang phục màu đơn sắc biểu tượng.
Thông điệp từ những chiếc khuy cài áo của Nữ hoàng Elizabeth II
Không chỉ sở hữu tủ đồ thời trang đa sắc màu, Nữ hoàng Elizabeth II còn đặc biệt yêu thích đeo khuy cài áo. Tác giả hoàng gia Keith Dovkants từng chia sẻ trong quyển “The Monarch and her money”, Nữ hoàng sở hữu hơn 300 món nữ trang giá trị, trong số đó có đến 98 chiếc khuy cài áo. Những chiếc khuy này không chỉ là phụ kiện trang trí cho bộ trang phục monochrome thêm phần bắt mắt mà còn là những món quà, kỷ vật truyền đời vô giá, gắn liền với những người thân yêu của Nữ hoàng. Bên cạnh ý nghĩa đồng hành cùng gia đình trong những dịp quan trọng, các mẫu khuy cài áo được Nữ hoàng lựa chọn còn thể hiện sự tôn trọng dành cho đất nước mà bà ghé thăm và những quan hệ ngoại giao khác.
Không dừng lại ở đó, màu sắc của khuy cài áo cũng nói lên nhiều thông điệp ý nghĩa mà Nữ hoàng Elizabeth II muốn nhắn gửi. Chẳng hạn như chiếc khuy màu ngọc lam mang ý nghĩa bảo vệ và hy vọng được Nữ hoàng đeo trong buổi động viên vượt qua cơn khủng hoảng COVID-19 vào tháng 4/2020.