Tại phòng tập Cocky Buffalo do bản thân sáng lập và điều hành, Kim từng huấn luyện hai võ sĩ Hàn Quốc, ba võ sĩ Uzbekistan, một võ sĩ Nga và nhiều võ sĩ Việt Nam. Những người này đã mang về cho ông chín đai vô địch châu Á và thế giới. Nhưng, các võ sĩ tài năng lần lượt rời bỏ ông.
"Tôi rất tiếc. Võ sĩ Việt Nam có những tố chất hàng đầu để trở thành nhà vô địch như khả năng nhanh nhạy, tốc độ phản xạ và ý chí quyết thắng khi lâm trận. Nhưng họ lại thiếu sự kiên nhẫn, thiếu tập trung cho sự nghiệp. Nhiều trường hợp, tôi nói với các bạn rằng đã được tám mươi phần trăm, hãy cố gắng thêm, nhưng các bạn vẫn nản lòng và chọn con đường khác", ông Kim nói với VnExpress.
Sinh năm 1971, Kim từng đến Việt Nam năm 2000 khi 29 tuổi để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc, ông cũng dành hai năm ở Nhật Bản, hai năm ở Trung Quốc trước khi chọn trở lại Việt Nam để lập nghiệp. Kim chưa bao giờ thi đấu quyền Anh chuyên nghiệp, nhưng từng tập môn này sáu năm. Nhờ đó, ông có nhiều mối quan hệ trong giới, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên thế giới.
Khi đến Việt Nam, Kim làm công việc không liên quan đến quyền Anh. Nhưng cơ duyên khiến ông trở lại với môn này. Năm 2013, Kim cùng một người đồng hương mở phòng tập quyền Anh tại Tân Bình, TP HCM. Vụ làm ăn không suôn sẻ khi ông bị người bạn lừa, lấy tiền bỏ về Hàn Quốc. Hai năm sau, Kim khai trương CLB Cocky Buffalo tại quận 7. Ông bầu Hàn Quốc ôm mộng trở thành promoter quyền Anh hàng đầu châu Á, và Việt Nam là bệ phóng để ông làm điều đó.
Tháng 10/2021, Kim gây tiếng vang khi tay đấm của ông, Nguyễn Thị Thu Nhi thắng điểm đối thủ Nhật Bản Etsuko Tada 96-94 để đoạt đai WBO thế giới hạng mini-flyweight (ruồi nhẹ). Đây không chỉ là đai WBO thế giới đầu tiên, còn là đai quyền Anh chuyên nghiệp thế giới đầu tiên của một võ sĩ Việt Nam. WBO là Tổ chức quyền Anh Thế giới, chuyên tổ chức thi đấu các trận chuyên nghiệp. Họ là một trong bốn tổ chức quyền Anh lớn nhất thế giới, bên cạnh WBA, WBC và IBF.
Đến tháng 4/2022, một võ sĩ khác của Kim - Đinh Hồng Quân - cũng chạm tới vinh quang trong sự nghiệp khi đánh bại đối thủ Philippines Delmar Pellio sau mười hiệp bằng điểm để trở thành người đầu tiên trong lịch sử quyền Anh Việt Nam đoạt đai IBF châu Á. Tuy nhiên, đến lúc này, di sản Thu Nhi để lại chỉ còn là bộ trang phục cô mặc hôm đánh bại Tada - được trưng bày ở chân cầu thang. Còn Hồng Quân cũng đã chia tay CLB.
"Ở Việt Nam tồn tại một chuyện ngược đời. Đó là võ sĩ chuyên nghiệp lại trở về đánh bán chuyên", ông Kim nói. "Tôi muốn nói rõ rằng đây chỉ là hai thể thức. Một trận quyền Anh bán chuyên chỉ dài ba hiệp. Còn quyền Anh chuyên nghiệp dài tối đa 12 hiệp. So sánh hai thể thức giống như chạy ngắn với chạy marathon vậy. Tôi cho rằng quyền Anh đỉnh cao phải thử thách sức chịu đựng và tâm lý VĐV trong thời gian dài. Nhưng võ sĩ Việt Nam cho rằng con đường bán chuyên ít chông gai hơn. Họ có thể được thưởng cho mỗi trận thắng, được tham dự các đấu trường như SEA Games. Với quyền Anh chuyên nghiệp, điều quan trọng nằm ở thái độ của bạn sau khi chiến thắng. Càng bảo vệ đai vô địch nhiều lần, bạn càng nổi tiếng".
Quyền Anh chuyên nghiệp vốn là loại hình giải trí cao cấp, bắt nguồn lâu đời từ các nước phương Tây. Đây là cái nôi đã sản sinh ra những huyền thoại như Muhammad Ali, Mike Tyson hay gần đây là Floyd Mayweather và Manny Pacquiao. Do sức hút quảng cáo và doanh thu truyền hình lớn, ngành công nghiệp này đã biến các tay đấm trở thành những triệu phú. Các võ sĩ quyền Anh thường lọt danh sách VĐV có thu nhập cao nhất thế giới.
Trong khi đó, quyền Anh bán chuyên là nền tảng để võ sĩ tích luỹ kinh nghiệm, cải thiện khả năng trước khi lên chuyên. Mỗi trận dài ba hiệp, võ sĩ được yêu cầu mang thiết bị bảo vệ đầu. Võ sĩ bán chuyên do liên đoàn các nước quản lý, đứng đầu là Liên đoàn quyền Anh quốc tế (AIBA). Các sự kiện thể thao quốc tế như Olympic, giải vô địch thế giới hay trong khu vực Đông Nam Á là SEA Games đều thi đấu theo thể thức bán chuyên. Quyền Anh bán chuyên không có giá trị cao về thương mại. Các võ sĩ không được thưởng tiền từ đơn vị tổ chức cho mỗi trận thắng.
Giá trị của một trận quyền Anh chuyên nghiệp nằm ở khâu tổ chức và quảng bá. Trong đó, promoter là người kết nối các nhà tổ chức, mời võ sĩ về thi đấu, thương lượng quảng cáo, bản quyền truyền hình...
Theo ông Kim, một vấn đề lớn với quyền Anh Việt Nam là thiếu hình mẫu để các võ sĩ noi theo. "Trên tư cách HLV, tôi đánh giá võ sĩ Việt Nam có tố chất hơn Philippines. Nhưng Philippines có một Manny Pacquiao sừng sững, người từng giành 12 đai vô địch lớn qua tám hạng cân. Có một tượng đài như vậy giúp các võ sĩ trẻ vững tin vào con đường phía trước. Ở Việt Nam, đến năm 2015 mới có võ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên là Trần Văn Thảo", Kim nói.
Trên con đường còn non trẻ như vậy, ông hy vọng quyền Anh Việt Nam được tháo xích quản lý để các đơn vị tư nhân có thể dễ dàng tổ chức các sự kiện. Ông bầu Hàn Quốc trăn trở rằng dù đi trước, quyền Anh gặp nhiều khó khăn hơn MMA do cơ chế quản lý khác. Theo ông, Việt Nam cần tách bạch giữa quyền Anh chuyên nghiệp và bán chuyên. Khi ấy, bộ môn này mới có thể chắp cánh.
"Hiện nay, nhu cầu tập luyện boxing phong trào ở giới trẻ tại các thành phố rất lớn. Nếu được tạo điều kiện, Việt Nam hoàn toàn có thể sản sinh những nhà vô địch quyền Anh chuyên nghiệp ở cấp độ thế giới. Với các võ sĩ, tôi hy vọng một ngày họ sẽ hiểu đâu là con đường xứng đáng để đi. Tôi cảm thấy nhiều trường hợp quá lãng phí công sức họ đã bỏ ra", ông nói.
Quang Huy