Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Osin lương nghìn USD

Thứ ba, 05/09/2023 | 19:48
[G-News24/7] -

Ngày cuối tháng 8, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh Thư (49 tuổi, ở quận 8) nhận đặt hàng dọn dẹp và vệ sinh toàn bộ căn villa ở đường Nguyễn Cao, quận 7, TP HCM của một gia đình người nước ngoài. Chị nhẩm tính, căn nhà ba tầng, diện tích 100 m2 với 10 nhà vệ sinh cần ít nhất 6 tiếng để làm sạch.

"Chủ nhà yêu cầu mỗi khu vực phải dùng một khăn lau khác nhau để đảm bảo không bị dây bẩn chéo giữa các phòng", chị Thư nói.

Với túi đồ nghề gồm máy hút bụi, khăn lau, bàn chải và một số lọ nước tẩy rửa, người phụ nữ bắt tay vào làm việc theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, trong ra ngoài, tuần tự hút bụi, gom rác, lau cầu thang và chùi rửa nhà vệ sinh. Cuối cùng, chị dùng cây lau kính có gắn lưỡi cao su mềm để làm khô và tăng độ bóng của sàn. Sau đúng 6 tiếng gồm cả 30 phút ăn trưa, Anh Thư bàn giao lại ngôi nhà và nhận thù lao 4 triệu đồng.

Osin-1-8820-1693505463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ahKcV9PU0CYSN3wx2pqJ4w

Anh Thư dọn dẹp tại một căn hộ thuộc ở quận 2, TP HCM, tháng 8/2023. Ảnh Nhân vật cung cấp

Anh Thư có 6 năm kinh nghiệm giúp việc gia đình tại khu vực quận 1, quận 2 và quận Bình Thạnh với thu nhập 26-28 triệu một tháng. Trước đó, chị là nhân viên phụ bếp nhà hàng mức lương ba triệu đồng. Nhận ra với số tiền này "không sống nổi ở thành phố" với ba đứa con đang lớn, Thư buộc phải chuyển nghề. Bốn tháng sau đó, để phục vụ cho việc chuyển đổi nghề nghiệp, chị tự học thêm các khóa ngoại ngữ, kỹ năng dọn dẹp, phân loại hóa chất tẩy rửa, cách sử dụng trang thiết bị gia dụng và nấu ăn.

Nghề giúp việc chất lượng cao như Anh Thư đang làm bắt đầu bùng nổ khoảng ba năm nay ở các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội. Ban đầu họ chủ yếu phục vụ các gia đình người nước ngoài ở Việt Nam nhưng gần đây có nhiều khách hàng là các gia đình người Việt. Thu nhập bình quân của người mới vào nghề khoảng 800 USD (19 triệu đồng), người có kinh nghiệm có thể lên 1.000-1.300 USD (25-30 triệu đồng) một tháng.

"Nghề này không dễ dàng như mọi người vẫn tưởng. Không thể dọn nhà khách như nhà mình", chị Thư kể. Các gia đình người nước ngoài có trang thiết bị, bố cục nhà rất khác với nhà của người Việt và đặc biệt là áp lực thời gian. Khách thường khoán công việc và yêu cầu hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định nên người làm phải "vắt chân lên cổ" chạy cho kịp deadline.

Cả hè năm 2017, Anh Thư dành thời gian ở siêu thị nhiều hơn ở nhà để tìm mua các loại dụng cụ lau dọn và chất tẩy rửa. Về nhà, Chị tập pha baking soda, xà phòng và các loại chất tẩy rửa rồi thực hành thử nghiệm trong nhà vệ sinh của gia đình trước. Những kiến thức học được và việc luyện tập liên tục giúp chị không bối rối khi gặp tình huống ống cống hố ga bị nghẹt hay sàn gỗ bám đầy bụi mịn.

Mỗi tuần ba lần, chị dành thời gian tìm hiểu và ghi chép nguyên lý hoạt động của các loại thiết bị điện khác nhau bởi nhiều khách hàng thường đem đồ dùng từ Hàn Quốc, Nhật Bản sang Việt Nam. Các phím, nút bấm được chị học thuộc lòng nhờ ứng dụng dịch thuật.

Osin-2-jpeg-5439-1693505463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VFPR-qPu1A7P0NfNKsRPFA

Anh Thư đang xem xét và tìm phương pháp tẩy sạch ron gạch (khe mạch nối hai viên gạch) trong nhà vệ sinh của khách ở quận 2. Ảnh nhân vật cung cấp

Nguyễn Thị Thùy Linh (37 tuổi) cũng có thu nhập gần 30 triệu đồng từ công việc giống Anh Thư. Tháng 12 năm ngoái, chị nộp hồ sơ vào một công ty dịch vụ giúp việc, trải qua ba vòng xét tuyển, phỏng vấn trực tiếp và đào tạo nghiệp vụ tại quận 10, TP HCM. Tại đây, Linh được đào tạo nghiệp vụ và ứng xử gồm 15 quy tắc dọn dẹp và trao đổi với khách hàng. Sau khi vượt qua các bài kiểm tra kỹ năng vào cuối khóa, Thùy Linh chính thức vào nghề.

Từng là bảo mẫu tại một trường mầm non ở quận 2. Nhưng công việc cần 9 tiếng mỗi ngày khiến Linh gần như không có thời gian cho con gái thứ ba mới 12 tháng tuổi. Chị quyết tâm chuyển việc, nhận dọn dẹp và trông trẻ theo giờ.

Dù có bằng trung cấp nhưng Thùy Linh vẫn phải học thêm khóa kỹ năng để nhận giúp việc trông trẻ. Chị nói có nhiều nguyên tắc được đặt ra như không được tự ý sử dụng phương tiện của mình để đón rước trẻ, luôn quan sát và nắm bắt tâm lý để chơi đùa cùng chúng. Đến nhà khách, chị phải mặc đồng phục, quần dài và mang giày hoặc dép có quai hậu.

Linh kể những ngày đầu rất mặc cảm vì "đột nhiên chuyển sang việc tay chân". Nhưng 8 tháng làm việc đã giúp chị có suy nghĩ khác. Nghề giúp việc hiện tại xóa đi quan niệm chủ - tớ mà thay vào đó là người cung ứng dịch vụ.

"Khách có quyền chọn người giúp việc, ngược lại tôi cũng có quyền chọn khách", Linh cho hay. Chị từng nhận một ca trông trẻ 5 tiếng nhưng khi đến nơi, gia chủ có lời nói khiếm nhã và thái độ thiếu tôn trọng. Chị lập tức gọi về tổng đài đề nghị "gỡ ca". Vì đã làm đúng các quy tắc nghiệp vụ nhưng khách không hợp tác, chị được nhận tiền và trở về sau hai tiếng làm việc.

Công ty của Thùy Linh thành lập năm 2016, ở quận 10 hiện có khoảng 10.000 nhân viên. Đại diện công ty cho biết sau dịch Covid-19, nhu cầu người giúp việc nhà đã tăng khoảng 18%, đặc biệt là có thêm nhóm khách hàng Gen Z. "Chất lượng người giúp việc nhà buộc phải nâng cao, họ được đào tạo nhiều nhóm kỹ năng mới để đáp ứng khách hàng", người đại diện nói.

Đồng nghiệp của Linh thường ở độ tuổi từ 38 đến 50. Theo ước tính, có khoảng 75% là từng làm giúp việc truyền thống, 15% là lao động có tay nghề (công nhân may, xưởng dệt) và 10% là lao động tri thức (giáo viên mầm non, điều dưỡng, sinh viên). Hệ thống quản lý sẽ cho phép khách hàng đánh giá sao trên ứng dụng, người giúp việc có mức sao từ 4.7 trở xuống sẽ phải đào tạo lại.

Osin-3-3037-1693505463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WaEChAzanHEVkVwDwifzFA

Buổi học nghiệp vụ người giúp việc tại quận 10, TP HCM, tháng 11/2022. Ảnh nhân vật cung cấp

Tuy vậy, thị trường người giúp việc chất lượng cao cũng có không ít người tự đào tạo mình để không bị đào thải. Bà Đỗ Tuyết (65 tuổi) là một ví dụ. 10 năm trước, người phụ nữ này chuyển từ công việc buôn bán sang giúp việc cho người nước ngoài. Bà học khóa tiếng Anh ngắn hạn ở trường Đại học Sư Phạm TP HCM và tiếng Pháp ở Viện trao đổi văn hóa Idecaf.

Bà nói ngoại ngữ của mình không quá thành thạo nhưng đủ giao tiếp với gia chủ. Khi mới làm nghề, bà Tuyết chỉ có khả năng nấu ăn, dọn dẹp cơ bản nên lúc nhận giúp việc ở một gia đình người Pháp, không khỏi bối rối.

"Họ nấu ăn theo công thức chứ không nêm nếm theo cảm tính như người Việt", bà nhớ lại. Người phụ nữ Việt phải dùng sổ ghi chép lại các công thức món ăn và dùng cân đo trọng lượng nguyên liệu. Sau 10 năm, bà tự nhận thấy tiến bộ qua từng giai đoạn, hiểu được văn hóa và nếp sống của khách thuộc đủ quốc tịch như Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc.

Hai tháng trước, có một lần Thùy Linh bị gia chủ người Ai Cập ở quận 2 chấm một sao do tiếng Anh còn kém. Chị không hiểu đúng ý khu vực khách muốn dọn dẹp ưu tiên, dẫn đến quá giờ. Kể từ hôm đó, tuần hai buổi Linh ôm sách vở đến trung tâm tiếng Anh giao tiếp gần nhà để cải thiện ngoại ngữ. Học phí vài triệu đồng một tháng nhưng chị không thấy tiếc.

"Nghề nào cũng vậy, không tự nâng cấp mình sẽ bị đào thải", Thùy Linh nói.

Ngọc Ngân

g-news247