Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Sản phẩm du lịch nông thôn phải độc lạ
Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” sáng 22/9, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ra đời vào năm 2018. Đến nay, cả nước có khoảng 10.000 sản phẩm OCOP.
Ông cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”. Bởi, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam - để phát triển bền vững cần sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Bà đề nghị Nhà nước quan tâm phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành, từ đó thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bà Liên cho rằng, không gian tập trung ‘làng OCOP’ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Đây không chỉ là không gian tích hợp để quảng bá tới khách du lịch, mà còn giúp các doanh nghiệp OCOP học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (Tiền Giang), nhấn mạnh: “Làm gì cũng phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Điều này vừa giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo không gian cho khách đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê”.
Ông Khanh chia sẻ, cơ sở của ông có 42 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm chiết xuất từ những loại cây sẵn có. Trong đó, có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Ngoài ra, ông đã tận dụng 8.000m2 đất vườn trồng bưởi, dừa sáp và nhiều loại thuốc nam khác.
Song, không chỉ phát triển nông nghiệp mà ông còn quảng bá hình ảnh con người và quê hương miền Tây với khu du lịch mang tên “Ve chai Thần kỳ”.
Xây dựng thương hiệu du lịch nông thôn Việt
Ông Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng, để xây dựng một thương hiệu du lịch nông nghiệp cần nâng cao vai trò của doanh nghiệp khai thác dịch vụ. Đó là khâu trung gian vừa kết nối bà con nông dân, vừa cung cấp trải nghiệm trực tiếp cho du khách.
“Thương hiệu là thứ vô hình và chỉ được nhận biết thông qua cảm nhận. Nó cần được chuyển hóa thành những thứ cụ thể, như logo, bao bì, bài hát, đại sứ thương hiệu”, ông Giang nói. Trong đó, doanh nghiệp sẽ giúp phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, gây ấn tượng cho bạn bè quốc tế.
Qua hợp tác với chính phủ, địa phương và nông dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp bền vững, lan tỏa, ông chia sẻ.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, du lịch nông thôn đang là xu hướng của thế giới và đây là lợi thế của Việt Nam. Bộ NN-PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.
Khi triển khai, Bộ NN-PTNT nhận ra 3 vấn đề từ các mô hình: câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống. Cả 3 yếu tố này cần gắn với nhau.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, cần xác định đất nông nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì chứ không phải để chuyển hết làm homestay. Cần tạo ra cảnh quan nông thôn để giữ khách du lịch, đây mới là mô hình du lịch cộng đồng nông thôn homestay.
Để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, ông giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.
Từ chia sẻ Việt Nam chưa có mô hình du lịch OCOP 5 sao, qua diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT mong muốn có thể hình thành được một bộ hồ sơ đạt chuẩn 5 sao. Ông cho hay sẽ sớm có một bộ tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP.
Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP, đây là những tín hiệu đáng mừng. Bộ NN-PTNT đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các đại sứ quán, tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu.
Thứ trưởng Nam cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm du lịch có bán sản phẩm OCOP, từ đó thu hút nhiều địa phương tham gia.
Tâm An
Đẩy mạnh chuyển đổi số để khai thác tiềm năng du lịch nông thônThời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Thế nên, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những giải pháp để khai thác tiềm năng du lịch nông thôn.