Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Phí tiêm chủng rẻ hơn điều trị bệnh 16 lần

Thứ hai, 25/09/2023 | 17:02
[G-News24/7] -

Theo nghiên cứu của WHO năm 2017, chi phí khám và điều trị bệnh tốn kém gấp 16 lần chi phí tiêm vaccine phòng bệnh; tiêm chủng cũng là một hoạt động đầu tư tài chính khôn ngoan.

Thống kê của Trung tâm Tiếp cận Vắc xin Quốc tế của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) năm 2021 cũng cho thấy cứ 1 USD (hơn 20.000 đồng) đầu tư cho mỗi liều vaccine sẽ tiết kiệm được 20 USD (khoảng gần 500.000 nghìn đồng) trong tổng chi phí sử dụng cho y tế. Một nghiên cứu trên 11 quốc gia châu Âu cho thấy chi phí điều trị bệnh sởi từ 209 đến 480 euro một ca (khoảng hơn 5 đến hơn 10 triệu đồng), trong khi chi phí chủng ngừa và kiểm soát sởi chỉ từ 0.17 đến 0.97 euro (từ hơn 4.000 đến hơn 25.000 đồng) một ca.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine giúp dự phòng và bảo vệ sức khỏe con người, từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực. Vaccine còn làm giảm số ngày ốm và nhập viện, chi phí chăm sóc y tế, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ, cũng như giảm tình trạng tàn phế, mất khả năng lao động do bệnh tật. Ngoài ra, tiêm chủng còn bảo vệ sức khỏe cho người lớn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hinh-tiem-tre-em-1-5803-1695348975.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZO-e1wgH-ge4TXbaUOK8Iw

Trẻ tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa hiểu rõ về tiêm chủng, khiến trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chủng không đúng lịch, mắc bệnh, tốn kém chi phí điều trị.

Chị Ngọc An (35 tuổi, Ninh Thuận) từng đưa con nhập viện cấp cứu do phế cầu gây viêm phổi bội nhiễm. Khi đó, bé bị ho nặng kèm theo khó thở, chẩn đoán viêm phổi nặng, có thể suy hô hấp, tử vong nếu không kịp thời điều trị. Vợ chồng phải túc trực ở bệnh viện để chăm sóc con nằm viện hơn một tháng, các khoản chi phí và viện phí tốn kém khoảng 50 triệu đồng. Đến nay, chị An vẫn hối hận khi không cho con tiêm vaccine phòng bệnh.

"Tôi cho rằng con ăn, ngủ đúng giờ giấc, vui chơi khoa học, đảm bảo dinh dưỡng thì sẽ khỏe mạnh, không mắc bệnh. Mũi tiêm phế cầu hơn một triệu đồng không quá đắt với gia đình, song chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc đưa con đi tiêm, đến lúc con bị bệnh thì mới hiểu giá trị của tiêm chủng", chị An nói.

Còn chị Giàng A Liên (35 tuổi, dân tộc Mông, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) thấp thỏm nhiều ngày nay khi nghe bệnh bạch hầu gây tử vong và có nhiều ca mắc. Con trai 4 tháng tuổi của chị chưa được tiêm loại vaccine phòng bệnh bạch hầu, chị lo con có thể mắc bệnh. Từ sáng sớm ngày 20/9, chị Liên đã dùng xe máy vượt gần 50 km đường đèo dốc, trơn trượt để đưa con đến trung tâm TP Yên Bái tiêm vaccine.

"Lúc tôi còn nhỏ, làng tôi năm nào cũng có trẻ nhỏ, người lớn chết hoặc tàn tật vì sốt bại liệt, bạch hầu, dại... Đến thời con tôi, may mắn là đã có trung tâm tiêm chủng, bọn trẻ có điều kiện tránh bệnh tốt hơn", chị Liên nói.

Từ hai trường hợp trên, bác sĩ Chính khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch và đủ liều để được bảo vệ tốt nhất trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh do không được tiêm đúng lịch.

Bác sĩ ví việc không tiêm vaccine mà để trẻ tự mắc bệnh giống như đẩy trẻ ra chiến trường mà không trang bị áo giáp. Điều này khiến trẻ dễ gặp biến chứng nặng khi hệ miễn dịch chưa được diễn tập chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đối với những trẻ đã tiêm chủng, việc tiêm trễ không làm giảm tác dụng thuốc hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Song, nếu trẻ không tiếp tục duy trì mũi tiêm, kháng thể sẽ giảm theo thời gian. Lúc này, vaccine không phát huy hiệu quả bảo vệ như mong đợi, trẻ dễ mắc bệnh.

Đồng thời, bác sĩ cũng nhấn mạnh việc bảo vệ thành quả tiêm chủng, thanh toán các bệnh như đậu mùa, bại liệt... nhờ vaccine. Mọi người nên tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tiêm bù trong thời gian sớm nhất và tiêm nhắc lại để phát huy gần như tối đa khả năng bảo vệ của vaccine.

Mộc Thảo

g-news247