Trả lời VnExpress, ông Đinh Bá Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quản lý trực tiếp khu vực phố đường tàu Phùng Hưng, nói kể từ năm 2019, một số hộ dân nhận thấy khu vực này có tiềm năng hút khách du lịch nên mở ra nhiều quán cà phê.
"Cuộc sống của họ đã thay đổi tích cực nhờ khu phố này", ông Hưng nói và cho biết khi chưa có phố cà phê đường tàu, thu nhập của người dân khu này thuộc hàng thấp nhất phường. Nhiều người làm lao động chân tay, một số người khác từ quê ra đây ở trọ tìm việc ở Hà Nội.
Nhờ kinh doanh cà phê ven đường tàu, khu phố trở nên nhộn nhịp hơn và đời sống người dân được cải thiện. Văn hóa, văn minh khu phố cũng khác xưa khi cư dân tiếp xúc với khách du lịch trong và ngoài nước. Đời sống khấm khá hơn, người dân cũng trang hoàng lại nhà cửa nên khu phố trông đẹp hơn, ông Hưng nói.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng điều này không có nghĩa là khu phố đảm bảo an toàn bởi chỉ cần một du khách say xỉn lao ra đường tàu, khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. Nhưng ông cũng thừa nhận, từ năm 2017 tới nay, phường Hàng Bông chưa ghi nhận trường hợp du khách gặp nguy hiểm tại phố đường tàu. Người dân có ý thức, tự nhắc nhở, quản lý khách khi tàu chạy tới.
Hiện cả khu phố có 12 hộ bán cà phê và đều không có giấy phép kinh doanh ăn uống. Trước kia, một số hộ từng được cấp những đã bị quận thu lại. Một hộ bị phạt 7,5 triệu đồng, các hộ khác đã bị lập biên bản. Họ biết không được phép nhưng vì mưu sinh nên bất chấp để làm.
Phường Hàng Bông đã bố trí lực lượng chốt chặn, mỗi ca ba người, không cho phép khách đi vào khu vực phố đường tàu. Tuy nhiên, khu này có nhiều ngõ nhỏ, thông sang các đường khác nên chủ hộ vẫn dắt khách vào trong mà không cần đi qua chốt. Khi bị hỏi, nhiều người nói đó là "người quen, họ hàng" từ xa đến, không phải khách tham quan.
Ông Hưng cho biết lực lượng của phường khá "mỏng" nhưng không thể làm gì hơn vì còn rất nhiều "điểm nóng" khác trên địa bàn cần bảo vệ. Nhân sự ít và không thể túc trực 24/24 tại điểm phố đường tàu nên các hộ kinh doanh cũng thường lợi dụng thời điểm các cán bộ giao ca hoặc không có mặt để công khai dẫn khách vào.
Trong những năm "thịnh" của phố đường tàu, sự đóng góp của các hộ dân cho các loại quỹ hàng năm của phường tương đối tốt. Hiện đóng góp ít đi nhiều vì họ không làm ăn, kinh doanh được, phó chủ tịch phường Hưng cho hay.
Tới nay, người dân trong khu cà phê đường tàu Phùng Hưng luôn mong mỏi được chính quyền tạo điều kiện để tiếp tục kinh doanh. Không chỉ phường, họ còn làm đơn lên quận và nhiều nơi khác.
Dù thông cảm với người dân, những người quản lý không thể làm khác. Ông Hưng nói từng tính phương án lắp rào chắn trước cửa nhà dân để đảm bảo an toàn, khách vẫn có thể ngồi bên trong. Tuy nhiên, khoảng cách từ thềm nhà đến sát mép đường ray quá chật, chỉ khoảng 1,5 m; chỗ nào rộng được 2 m.
"Với chiều rộng này, hai xe máy tránh nhau còn khó chứ nói gì thêm rào chắn", ông nói.
Ông Hưng cho biết đã nghe nhiều chuyên gia nói về việc nên quản lý khu phố đường tàu thay vì cấm và để người dân hoạt động tự phát. Tuy nhiên, quan điểm của phường là "làm đúng theo chỉ đạo của quận, tuân thủ pháp luật". Trong thời gian tới, nếu thành phố hay quận có chủ trương mới để tháo gỡ những vướng mắc ở khu phố này, phường Hàng Bông sẽ báo cáo phương án đảm bảo an toàn sau.
"Kinh doanh là vấn đề cá nhân, không thể để ảnh hưởng an toàn, an ninh đường sắt. Trước mắt, chúng tôi sẽ siết chặt quản lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực này", ông Hưng cho biết.
Trong sáng 31/8, theo ghi nhận của phóng viên, các điểm ra, vào khu phố đường tàu có công an và dân phòng chốt chặn. Nhiều du khách muốn vào nhưng đều được mời ra, chỉ có thể đứng ngoài chụp ảnh hoặc đi sang khu phố đường tàu thuộc phường Điện Biên (quận Ba Đình) phía đối diện.
Trả lời VnExpress, bà Hoàng, chủ quán cà phê ở đầu phố đường tàu, nói "thấy bất công" khi khu đường tàu Điện Biên vẫn nhộn nhịp còn bên này bị ngăn cấm. Bà nói người dân khu phố đường tàu này nghèo nhất phường, cuộc sống chỉ bám vào vài cốc cà phê bán cho khách du lịch.
Sau hai năm kinh doanh cà phê, nhà bà Hoàng mới có tiền sửa sang lại khu bếp khang trang, sạch sẽ hơn. Trước đó, do điều kiện khó khăn, nhà bà vẫn dùng bếp củi và khu nhà vệ sinh xập xệ với bệ xí xổm. Bà nói có những hôm mưa bão, cả nhà không thể nấu được gì ăn vì đun bếp củi ngoài trời.
"Từ lúc có con phố này, chúng tôi mới đỡ khổ hơn chút mà giờ lại cấm. Cả khu phố đẹp thế này, người dân đầu tư bao nhiêu tiền", bà Hoàng nói.
Bà Lan, một chủ quán khác sống ở khu phố đường tàu từ năm 1989, nói khu này ngày xưa "thật sự rất nhếch nhác". Đoạn đầu phố giáp Phùng Hưng, kim tiêm nằm lăn lóc trên đường ray. Đoạn giữa chủ yếu là người thuê trọ sống nên quần áo phơi lộn xộn đầy con đường nhỏ. Từ lúc khách Tây tìm đến chụp ảnh, nhiều nhà mới bắt đầu sửa sang, làm thêm tầng để phục vụ khách.
Tự nhận cũng cố tình lách luật để đưa khách trốn vào "vì miếng cơm manh áo", bà Lan cho biết thực tế số lượng cũng không đáng là bao do khách Tây không thích đi chui. Dù đoạn phố đường tàu bên phường Hàng Bông đẹp hơn, họ vẫn chọn sang bên đối diện ở phường Điện Biên. Khách Trung Quốc cũng tìm đến đây nhiều nhưng họ sẽ "lắc đầu nguây nguẩy" nếu được đề nghị đi theo đường ngách.
"Làm ăn cứ thấp thỏm thế này, tôi chẳng biết sống sao", bà Lan chán nản nói rồi đóng sầm cánh cửa lại.
Tú Nguyễn