Việt Nam và Mỹ tháng 7/2013 nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, sau 18 năm bình thường hóa quan hệ. Trong tuyên bố chung thiết lập Đối tác toàn diện, lần đầu tiên hai nước xác định rõ nguyên tắc quan hệ là "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau".
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2011-2014, đây là biểu hiện cho thay đổi quan trọng nhất về chất trong quan hệ hai nước, liên quan đến lòng tin giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong giai đoạn từ bình thường hóa quan hệ năm 1995 tới 2013, hai nước mới bắt đầu xây dựng lòng tin. Nhưng từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện đến nay, lòng tin đó đã được tăng cường và củng cố đáng kể, đại sứ Cường nói với VnExpress.
Trong giai đoạn này, các đời tổng thống Mỹ từ Barack Obama, Donald Trump đến ông Joe Biden hiện tại đều nhiều lần tái khẳng định chính sách của Mỹ là ủng hộ một Việt Nam "hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Sau khi thiết lập Đối tác toàn diện với Việt Nam, Mỹ đã tích cực dành nguồn lực và ngân sách để giải quyết hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam và tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh cũng như quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
"Tôi khá ấn tượng trước hình ảnh các đại sứ Mỹ gần đây như ông Daniel Kritenbrink và ông Marc Knapper thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hay cùng cựu binh Việt Nam dạo bước trên cầu Hàm Rồng", đại sứ Cường nói, thêm rằng điều đó thể hiện chủ trương của chính phủ Mỹ là mong muốn hòa giải và có trách nhiệm trong giải quyết hậu quả chiến tranh.
Trong đại dịch Covid-19, Mỹ là nước viện trợ vaccine nhiều nhất cho Việt Nam với 40 triệu liều và Việt Nam cũng nằm trong top 10 nước nhận vaccine nhiều nhất của Mỹ cùng nhiều trang thiết bị y tế khác. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cung cấp số lượng khẩu trang đáng kể cho Mỹ khi cả thế giới khan hiếm mặt hàng y tế này giữa đại dịch.
Nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8/2021, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội, một trong bốn văn phòng cấp khu vực trên toàn thế giới của CDC.
Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, Mỹ ngày càng ủng hộ vị thế, tiếng nói và lập trường của Việt Nam, trong đó có quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
"Tất cả những tuyên bố về lập trường và hành động thực tế trên đã góp phần tăng cường đáng kể lòng tin giữa hai nước trong 10 năm qua. Tôi cho rằng đây chính là thay đổi quan trọng nhất bởi chỉ có xóa bỏ nghi kỵ, tăng cường lòng tin thì hai nước mới có thể có những hợp tác, hỗ trợ nhau thực chất và hiệu quả", ông nói.
Ngoài thay đổi về chất, quan hệ Việt – Mỹ cũng chứng kiến những phát triển mạnh mẽ về lượng kể từ khi nâng cấp lên Đối tác toàn diện, theo đại sứ Nguyễn Quốc Cường.
Việt Nam và Mỹ đã xác định 9 lĩnh vực ưu tiên hợp tác từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng tới kinh tế thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và môi trường, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Cả 9 lĩnh vực đều có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt về kinh tế và thương mại.
Năm 2012, thương mại hai nước đạt 25 tỷ USD, song tới cuối năm 2022 là 139 tỷ USD, tăng 5,5 lần. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Trong hai năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đều đạt mức kỷ lục trên 100 tỷ USD. Việt Nam đã lọt top 10, năm ngoái là top 7 đối tác thương mại của Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng chú ý đến thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng có những doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở Mỹ.
Trong hợp tác giáo dục, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã tăng lên 30.000 trước đại dịch. Đây được xem là nguồn lực rất quan trọng cho đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chỉ ra một số lý do để tin rằng quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đà phát triển trong những năm tới. Đầu tiên, quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thử thách kể từ khi bình thường hóa và nâng cấp lên Đối tác toàn diện, nhưng vẫn phát triển khá toàn diện và được hai bên đánh giá tích cực.
Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế - chính trị ở khu vực và quốc tế, Việt Nam và Mỹ đang có thêm những cơ hội hợp tác mới ở tầm cao hơn, như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế xanh, an ninh lương thực.
"Với sự phát triển năng động những năm qua, cũng như vai trò và uy tín ngày càng nâng cao, Việt Nam cũng ở vị thế tốt hơn để hợp tác với Mỹ cả trên bình diện song phương và đa phương", ông Cường nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm hồi tháng 7 cũng đánh giá Việt Nam hiện là "người chơi" quan trọng trên trường quốc tế, có vai trò then chốt trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như dệt may, linh kiện điện tử. Đồng thời, Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Điều này phù hợp với chính sách "ưu tiên hàng đầu cho xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ", theo bà Yellen.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden ngày 10-11/9 cũng được coi là cơ hội để quan hệ hai nước được làm sâu sắc thêm. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong thư mừng Quốc khánh Việt Nam ngày 2/9 nhấn mạnh đây là "chuyến thăm lịch sử".
"Ông Biden không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là điều chưa có tiền lệ và bản thân điều đó cũng nói lên tầm quan trọng của chuyến thăm này", ông Cường nói.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng chỉ ra rằng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, các đời tổng thống Mỹ thăm Việt Nam thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này cho thấy nội bộ Mỹ đã có đồng thuận khá cao về tăng cường quan hệ với Việt Nam trong những năm tới.
"Chúng ta cùng trông chờ vào những kết quả tốt đẹp cho chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden, góp phần nâng tầm quan hệ, tương xứng với kỳ vọng và đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới", ông Cường nói.
Thanh Tâm