Thứ năm, 28 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

'Quy hoạch TP HCM cần khai thác tiềm năng sông Sài Gòn'

Thứ tư, 13/09/2023 | 10:52
[G-News24/7] -

"Sông Sài Gòn là cảnh quan đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho TP HCM nhưng các nghiên cứu quy hoạch để phát triển không gian đô thị ven bờ đang rất mờ nhạt", TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nói tại Hội nghị báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, ngày 12/9.

dji-0023-1693987023-jpeg-8040-2011-6721-1694534497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ml-MwE81WIV-N7hp6ywCJg

Hai bờ sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP HCM, tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Chính, dòng sông uốn lượn qua TP HCM như một "dải lụa", điều hiếm nơi nào có, nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng. Ông so sánh tại Đà Nẵng, sông Hàn chảy qua trung tâm thành phố khoảng 7 km, song được khai thác rất tốt, bao gồm cả không gian đô thị ven bờ cùng những cầu bắc ngang. Điều này giúp Đà Nẵng mang thương hiệu là "thành phố của những cây cầu".

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nói thêm, trên thế giới nhiều sông như Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), Thames (Anh)... cũng không có vị trí đẹp như Sài Gòn nhưng được tận dụng và phát triển rất tốt, trở thành cảnh quan nổi tiếng.

Với chiều dài sông Sài Gòn qua TP HCM khoảng 40 km và rất rộng, ông Chính cho rằng trong quy hoạch có thể tập trung phát triển trước 15-20 km, đặc biệt là đoạn qua khu Thủ Thiêm và bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, bởi đây được ví như "hòn ngọc" của thành phố.

"Nếu quy hoạch và làm tốt, 10-15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của thành phố mà sẽ nổi tiếng trên thế giới", ông Chính nói và đề nghị đơn vị tư vấn cần làm rõ các nội dung liên quan quy hoạch phát triển không gian ven sông Sài Gòn, để thấy đây là cảnh quan đặc biệt thiên nhiên ban tặng không phải nơi nào cũng được lợi thế này.

Ngoài sông Sài Gòn, việc phát triển không gian của toàn bộ hệ thống sông ngòi ở TP HCM là nội dung quan trọng cần đưa vào quy hoạch chung lần này, theo lãnh đạo Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Đồng tình quan điểm trên, PGS-TS Đỗ Tú Lan, nguyên cục phó Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, nói TP HCM có nhiều sông, kênh rạch nên trong điều chỉnh quy hoạch lần này cần nghiên cứu và tận dụng lợi thế để phát triển thành phố. Song song đó, thành phố cần tính toán đưa vào quy hoạch nhiều hồ điều tiết, để giải quyết ngập úng đang ngày càng gia tăng.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết quy hoạch chung thành phố có từ năm 2010, đến nay nhiều vấn đề mới phát sinh. Việc nghiên cứu điều chỉnh lần này dựa trên hai nguyên tắc gồm kế thừa những quy hoạch trước đây và cập nhật, khắc phục các khiếm khuyết, hạn chế để thành phố phát triển.

"Thành phố sẽ rà soát những gì tốt cần giữ lại và phát huy cũng như những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung", ông Mãi nói.

z4687605783649-da45941917b5f00-3226-6410-1694534497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tipU80AlhqhLUsmsfFJfXQ

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị, chiều 12/9. Ảnh: Hạ Giang

Theo Chủ tịch thành phố, Nghị quyết 24 và 31 của Bộ Chính trị đều đặt TP HCM ở vị trí quan trọng tại Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng tới một trung tâm có năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Do đó việc điều chỉnh quy hoạch chung cần thể hiện rõ phát triển theo những định hướng trên.

Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, bởi suốt thời gian qua chỉ tập trung khu trung tâm hiện hữu (930 ha). Ông Mãi cho biết các trung tâm mới cần có lộ trình phát triển nhưng tiên quyết phải đầu tư hạ tầng, đặc biệt giao thông để kết nối đồng bộ.

"Nếu cứ giữ đô thị hiện hữu như bây giờ mà không mạnh dạn bứt phá thì chúng ta vẫn sẽ phát triển theo kiểu vết dầu loang", ông Mãi nói và cho rằng trong quy hoạch sắp tới thành phố sẽ xác định phương thức giao thông công cộng, không chỉ có metro mà tận dụng hệ thống kênh rạch để phát triển giao thông thủy.

Theo ông Mãi, TP HCM là đô thị lớn thì văn hoá, xã hội cũng là lợi thế nên cần đầy đủ không gian xanh. Do vậy trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, thành phố định hướng duy trì một tỷ lệ đất nông nghiệp nhất định như phần dự trữ cho sau này. Riêng vấn đề dân số, ông cho rằng với cơ cấu kinh tế, xã hội của TP HCM hiện nay và sắp tới cần tính toán kỹ về quy mô, chất lượng để đảm bảo phát triển phù hợp.

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 được Thủ tướng duyệt năm 2021, với mục tiêu gắn kết phát triển không gian đô thị của thành phố cùng khu vực xung quanh. Việc điều chỉnh quy hoạch cần đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cũng như giải quyết bất cập của đô thị lớn nhất nước, bao gồm dân số, nhà ở, hạ tầng giao thông, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu...

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM sau khi được lập và phê duyệt sẽ là cơ sở cho quản lý đô thị, đặc biệt xác định phương hướng phát triển không gian, các chức năng của đô thị cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới sự sáng tạo, hiện đại.

Gia Minh

g-news247