Hồ Lê Anh Phương, 27 tuổi, làm nghề xây dựng ở TP HCM, cho biết từ đầu năm đã tham gia 4 giải chạy ở Đà Lạt, Quy Nhơn và TP HCM. Anh cũng từng tham gia chạy ở Côn Đảo, Bến Tre, Cần Giờ hay Vũng Tàu. Mỗi lần như thế, Phương "đều tranh thủ đi chơi, khám phá du lịch địa phương" trước hoặc sau khi thi đấu.
Theo công ty nghiên cứu thị trường du lịch Outbox, hoạt động du lịch kết hợp tham gia giải chạy được gọi là race-cation, được ghép từ "race" (chạy bộ) và "vacation" (kỳ nghỉ). Đây là một là kiểu du lịch mới, thuộc loại hình du lịch thể thao, du khách dành kỳ nghỉ để tham gia các giải thi đấu không chuyên.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) định nghĩa du lịch thể thao (Sports Tourism) liên quan một cách chủ động hoặc thụ động đến trải nghiệm du lịch khi du khách tham gia hoặc quan sát một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh, được tổ chức tại một địa điểm cụ thể nào đó.
Theo Outbox, nhóm khách race-cation và khách du lịch thông thường có "động lực điểm du lịch khác nhau". Du khách thông thường muốn ghé thăm điểm đến để vui chơi, tham quan và nghỉ dưỡng, khách race-cation lại lựa chọn điểm đến vì sự kiện thể thao tại đó. Họ muốn tham dự giải thể thao để thử thách bản thân và rèn luyện sức khoẻ, sau đó mới tính đến việc du lịch.
Ngoài mục đích nâng cao sức khỏe, còn nhiều yếu tố khác giúp thúc đẩy du khách tìm đến xu hướng du lịch kết hợp tham gia giải thể thao. Có người tham gia vì "vui là chính", một số người nhằm nâng cao thành tích cá nhân, tận hưởng phong cảnh, trải nghiệm ở điểm tổ chức giải hoặc người có thói quen trekking, hiking muốn "đổi gió".
Đối với Hoàng Phong, kỹ sư 27 tuổi ở TP HCM, tham gia giải chạy ở đâu đó là một kiểu "du lịch lành mạnh" cùng gia đình vào dịp cuối tuần. "Những chuyến đi chơi kết hợp chạy marathon vừa giúp tôi rèn luyện thể lực, vừa được dịp thăm thú điểm đến" Phong nói. Cho đến nay, anh đã tham gia ba giải marathon.
Tại hội thảo Vietnam Race-cation, diễn ra trong khuôn khổ hội chợ du lịch quốc tế TP HCM 2023, các chuyên gia nhận định một trong những đặc tính hành vi đáng chú ý của du khách Việt trong năm nay là tìm kiếm giá trị về sức khỏe và cân bằng về tinh thần khi đi du lịch. Xu hướng này có tính định hình thị trường, nhất là sau đại dịch, du lịch về sức khỏe đã được tiếp nhận rõ ràng và rộng rãi hơn.
Trong năm 2023, Việt Nam có hơn 35 giải chạy quy mô lớn, thu hút khoảng 190.000 người tham dự. Ông Ngô Mạnh Cường, đại diện Ban tổ chức VnExpress Marathon, một trong 5 giải có trên 10.000 người tham gia, nói giải lần đầu được tổ chức tại Quy Nhơn tháng 6/2019. Sau 4 năm, giải đã mở rộng quy mô thi đấu tại 6 tỉnh thành gồm Quy Nhơn, Nha Trang, Huế, TP HCM, Hà Nội, Hạ Long. Năm 2023, giải đã được tổ chức ở 5 tỉnh thành. Tại mỗi điểm đến, giải chạy được kỳ vọng quảng bá các sản phẩm, ẩm thực, dịch vụ du lịch tới người tham dự, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Theo khảo sát của Outbox thực hiện hồi tháng 8, gần 45% số người được hỏi trả lời thường xuyên kết hợp du lịch khi tham gia các giải marathon ngoài nơi cư trú của họ. Các chuyến race-cation thường kéo dài 2-3 ngày. Chi phí dao động từ 5 đến 10 triệu đồng, gồm các hạng mục như lưu trú tại điểm đến, phương tiện di chuyển, phụ kiện thể thao, đồ công nghệ, trang phục thể thao, thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ và hoạt động giải trí ngoài thời gian thi đấu. Lưu trú là hạng mục được chi tiêu nhiều nhất. Khách race-cation có xu hướng đi cùng gia đình hoặc theo nhóm. Điều này tạo sức lan toả trong việc chi tiêu, mang lại nguồn thu cho điểm đến.
Tuy nhiên, race-cation vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch thể thao. Nhóm khách race-cation tiềm năng, độ tuổi 25-27 tập trung đông. Doanh nghiệp du lịch TP hoạt động tích cực, dễ thực hiện các công tác quảng bá. Dịch vụ lưu trú đáp ứng được cả số lượng và chất lượng để phục vụ các giải thi đấu thể thao. Tuy nhiên, hiện chưa có công ty du lịch nào ở TP HCM khai thác các combo, tour tham dự giải chạy.
Trong khi đó, du lịch thể thao được xác định là một trong 7 trụ cột của ngành du lịch TP HCM. Ông Hòa cho hay TP HCM định hướng phát triển theo mô hình "sự kiện trong sự kiện" nhằm thu hút khách, tăng doanh thu dịch vụ du lịch. Cụ thể, giải chạy có thể được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ du lịch, có nhiều hoạt động, lễ hội khác xoay quanh. Du khách tham gia chạy có thể ở lại vui chơi, trải nghiệm. Ngoài các giải marathon, TP HCM đang phát triển sản phẩm du lịch golf và hướng đến mở rộng các giải đua xe đạp.
Ông Phước Đặng, CEO Outbox, nhận định phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh do các giải chạy được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, "cái gì là phong trào cũng sẽ trôi qua". Vấn đề cần quan tâm là các bên từ điểm đến, ban tổ chức giải tới các doanh nghiệp du lịch tận dụng hiệu quả thời điểm nở rộ để định hình thương hiệu giải chạy chuyên nghiệp và tạo tiền đề cho các hoạt động du lịch gắn với thể thao trong tương lai nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
"Không phải cứ tổ chức giải chạy ở địa điểm nổi tiếng thì mới hút được khách. Để race-cation trở thành một sản phẩm thu hút bền vững đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên từ điểm đến, bản tổ chức giải, tới các doanh nghiệp du lịch", ông Phước nói.
Không có tour liên quan đến các giải chạy, anh Phong thường phải theo dõi tin tức từ các nhóm, cộng đồng chạy bộ trên Facebook để đăng ký mua vé. Mỗi vé dao động từ 450.000 đến hơn 2 triệu đồng tùy cự ly chạy. Tuy nhiên, mua vé chạy xong, anh còn phải tự "thiết kế tour" cho gia đình.
"Có các tour hoặc combo gồm vé máy bay, phòng khách sạn và vé chạy sẽ tiện lợi cho người tham gia giải, giảm bớt các bước lên kế hoạch trước chuyến đi", anh Phong nói.
Bích Phương - Vân Khanh