Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Sầu riêng Việt Nam chuẩn bị tiến vào thị trường Ấn Độ

Thứ ba, 12/09/2023 | 16:16
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ quan này đang hoàn tất các thủ tục để trái sầu riêng có thể được xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Hiện tại, sầu riêng tươi Việt Nam đang xuất khẩu sang 24 thị trường trên thế giới.

  • Vượt thanh long, sầu riêng trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam
  • Sầu riêng, vải chín đầu mùa được giá, sẵn sàng xuất khẩu
Chỉ trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn. Ảnh: Nguyên Việt

TTXVN dẫn số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp, cho biết sầu riêng tươi Việt Nam đang xuất khẩu sang 24 thị trường, còn sầu riêng đông lạnh là 23 thị trường. Chỉ trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn.

Xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỉ đô la Mỹ cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, trong đó, mặt hàng sầu riêng là 1,2 tỉ đô la, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022.

Cũng theo TTXVN, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ.

Hiện nay, sầu riêng đang được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc. Cả nước có 422 vùng trồng và 153 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt cùng 64 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói đang trong tình trạng hoàn thiện để được Trung Quốc cấp mã số. Bên cạnh đó, hơn 600 mã số vùng trồng và 50 cơ sở đóng gói sẽ gửi sang Trung Quốc để phê duyệt.

Liên quan đến việc tạm dừng, thu hồi các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc, tại diễn đàn trực tuyến về thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 diễn ra 11-9, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc tạm dừng hay thu hồi có hai cách là Việt Nam sẽ tự tạm dừng, thu hồi hoặc Trung Quốc sẽ thực hiện điều này.

Theo kinh nghiệm thị trường quốc tế, nếu Việt Nam tự thực hiện việc tạm dừng, thu hồi thì rủi ro sẽ thấp hơn. Do đó, cục đã chọn phương án chủ động dừng. Ngoài ra, việc thông báo khắc phục, tạm dừng hay thu hồi phải dựa trên nguyên tắc là không ảnh hưởng đến thương mại, quyền lợi của người sản xuất kinh doanh, đơn vị xuất khẩu.

g-news247