(KTSG Online) – Saudi Arabia đang đàm phán với hãng xe Tesla về khả năng thành lập một nhà máy xe điện ở vương quốc dầu mỏ này như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
- Mỹ và Saudi Arabia đàm phán hợp tác khai thác kim loại cho pin xe điện
- Vì sao Saudi Arabia muốn đầu tư lớn vào Tesla?
Các nguồn thạo tin cho biết, cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu và có thể sụp đổ. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể gặp nhiều rắc rối, do mối quan hệ căng thẳng trong quá khứ của CEO Tesla Elon Musk với Saudi Arabia cũng như mối quan hệ đối tác hiện có của vương quốc này với Lucid Group (Mỹ), đối thủ xe điện của Tesla.
Theo một số nguồn, Saudi Arabia thuyết phục Tesla bằng cách cho phép hãng mua một số lượng kim loại và khoáng chất nhất định cần cho xe điện từ các nước bao gồm CHDC Congo. Hồi tháng 6, Saudi Arabia đã tiếp cận chính phủ Congo để tìm kiếm thỏa thuận hợp tác khai thác khoáng sản ở quốc gia châu Phi này, nơi cung cấp khoảng 70% sản lượng cobalt của thế giới.
Một trong những đề xuất mà Saudi Arabia đang xem xét là cung cấp tài chính để hỗ trợ tập đoàn kinh doanh hàng hóa Trafigura triển khai một dự án mỏ đồng và cobalt ở Congo đang gặp khó khăn do bị đội vốn.
Năm ngoái, Trafigura đã ký thỏa thuận cho đối tác Chemaf, một nhà sản xuất kim loại, vay 600 triệu đô để phát triển mỏ Mutoshi, một trong những mỏ đồng và cobalt lớn nhất của Congo. Nguồn vốn này cũng sẽ được sử dụng để xây dựng một nhà máy chế biến và mở rộng một nhà máy khác tại mỏ Etoile ở Congo. Theo thỏa thuận, Trafigura sẽ được quyền mua tất cả cobalt hydroxide do hai mỏ này sản xuất.
Nhưng do giá cobalt liên tục thấp và áp lực lạm phát, Trafigura đang cùng với với Chemaf đánh giá lại các lựa chọn cho dự án trên.
Cuộc đàm phán giữa Trafigura, Chemaf và Saudi Arabia vẫn đang ở giai đoạn đầu. Một số nguồn tin cho biết cho biết Trafigura đang tìm kiếm khoảng 200 triệu đô la để tiếp tục phát triển dự án ở Congo.
Một trở ngại tiềm tàng là Trafigura đã cấp khoản vay cho Chemaf cùng với một nhóm ngân hàng. Vì vậy, các điều khoản của bất kỳ khoản tài trợ mới nào sẽ cần phải được những ngân hàng đó chấp nhận.
Nếu thỏa thuận được chốt, đây sẽ là bước đột phá sâu hơn vào hoạt động khai mỏ ở nước ngoài của Manara Minerals, liên doanh giữa PIF và Công ty khai thác mỏ Ma’aden thuộc sở hữu nhà nước Saudi Arabia.
Trafigura đang đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch của các chính phủ phương Tây nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng kim loại ở châu Phi.
Một thỏa thuận hợp tác như vậy thể giúp Saudi Arabia tiếp cận được cobalt để cung cấp cho nhà máy sản xuất xe điện Tesla ở vương quốc này.
Nếu Tesla đồng ý xây dựng nhà máy ở Saudi Arabia, hãng xe này sẽ tiến gần hơn đến tham vọng bán 20 triệu xe mỗi năm vào năm 2030, tăng từ khoảng 1,3 triệu xe vào năm 2022.
Elon Musk cho biết Tesla có thể cần khoảng 12 nhà máy trên toàn cầu để đạt được mục tiêu doanh số vào cuối thập niên. Tesla đang sản xuất xe ở Mỹ, Trung Quốc, Đức và có kế hoạch sản xuất ở Mexico.
Trong tháng này, Lucid, nơi Quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia (PIF) nắm giữ phần lớn cổ phần, dự kiến bắt đầu tiến hành lắp ráp xe điện với quy mô hạn chế tại một nhà máy quốc tế đầu tiên trên bờ Biển Đỏ của Saudi Arabia.
Mối quan hệ hợp tác với Tesla cũng có lợi cho tham vọng của Saudi Arabia nhằm thu hút đầu tư nước, một ưu tiên của Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị trên thực tế ở vương quốc này.
Nỗ lực thu hút Tesla phản ánh sáng kiến rộng lớn hơn của Saudi Arabia nhằm tiếp cận các kim loại quan trọng ở nước ngoài, tinh chế chúng trong nước và đưa chúng vào một hệ sinh thái non trẻ tập trung vào năng lượng tái tạo.
Nước này đang đàm phán với Mỹ để hợp tác khai thác kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Phi. Riyadh đang lên kế hoach chi 15 tỉ đô la để mua cổ phần khai thác mỏ trên toàn cầu.
Một thỏa thuận xây dựng nhà máy xe điện của Tesla ở Saudi Arabia sẽ là bước ngoặt đáng ngạc nhiên trong mối quan hệ giữa tỉ phú Elon Musk và Saudi Arabia
Vào năm 2018, PIF, nơi Thái tử Mohammed làm chủ tịch, mua 2 tỉ đô la cổ phiếu Tesla trên thị trường đại chúng. Cuối năm đó, Giám đốc PIF Yasir Al-Rumayyan đã thảo luận ý định đầu tư thêm cổ phiếu Tesla với Musk. Cuộc thảo luận khiến Musk đăng những dòng tweet nói rằng ông sẽ hủy niêm yết cổ phiếu Tesla và đã có nguồn tài chính để mua lại cổ phiếu trên thị trường.
Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) sau đó đã kiện Musk vì cho rằng những dòng tweet đó vi phạm luật chống gian lận chứng khoán. Rốt cục, cả hai bên đã dàn xếp để dừng vụ kiện. Khi giá cổ phiếu của Tesla phục hồi vượt mức giá vốn mua vào của PIF, quỹ này đã bán hết.
Cũng trong năm 2018, PIF đầu tư 1 tỉ đô la vào Lucid, công ty được điều hành bởi một cựu lãnh đạo của Tesla, với điều kiện nhà sản xuất xe điện này phải xây dựng nhà máy ở Saudi Arabia. PIF kể từ đó đã nâng tỷ lệ sở hữu ở Lucid lên khoảng 60%.
PIF cũng đã công bố kế hoạch thành lập từ đầu công ty xe điện riêng của Saudi Arabia, có tên gọi là Ceer, thông qua sự hợp tác với Foxconn.
Theo WSJ