(KTSG) – Lứa tuổi gen Z (sinh từ năm 1997-2012) đang được khoác danh hiệu “siêu kết nối” (hyper-connected) như một dấu ấn thế hệ, nhưng đôi khi đó là sự gán nhãn của truyền thông. Thực ra, phía sau những gì bị lầm tưởng là dấu ấn đó có nhiều điều đáng phải lo lắng.
- Gen Z trì hoãn tìm việc: Nhìn từ chi phí cơ hội và chi phí chìm
- Gen Z chọn phong cách đậm chất số trong chi tiêu thông minh
Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ dàng. Không chỉ ở nhà mà cả ở quán xá, hình ảnh phổ biến trên bàn ăn chung là ba kiểm tra e-mail, mẹ nhắn tin, mấy đứa con thì mỗi đứa một chiếc điện thoại, đang “bơi lội” trong các game điện tử, hoặc lướt YouTube, TikTok… Mỗi người có một thế giới riêng!
Thế giới riêng: nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng
Đã có nhiều cảnh báo về tác hại của việc đánh mất nhu cầu gắn kết trong các gia đình hiện đại, mà tác hại lớn nhất là sự thiếu hụt môi trường bày tỏ, chia sẻ tình cảm trực tiếp dành cho trẻ nhỏ. Sống lâu trong những không gian phi nối kết trực tiếp, chúng mất dần phản xạ tương tác, theo đó, bị rối loạn xúc cảm, tình cảm, không còn lòng trắc ẩn hay sự quan tâm đối với thế giới chung quanh. Thế nhưng vẫn có người xuề xòa bảo đó là vấn đề thời đại, không nên quá khắt khe và nghiêm trọng hóa mà thành kẻ bảo thủ, lạc hậu.
Tháng 3 vừa qua, Q&Me do Asia Plus (Nhật Bản) điều hành đã báo cáo kết quả thăm dò ứng dụng di động phổ biến nhất Việt Nam năm 2023. Các con số trong báo cáo không khỏi gây giật mình: mỗi ngày một người Việt dành đến 6,2 tiếng đồng hồ cho việc dùng điện thoại thông minh; mỗi tuần dùng đến 20,5 ứng dụng, trong đó hai phần ba là mạng xã hội và nhắn tin. Facebook, Messenger, Zalo, TikTok, YouTube, Instagram… là những ứng dụng được người Việt sử dụng nhiều nhất.
Nhiều cơ hội kết nối, phát triển sự nghiệp, nhiều tiện ích mua sắm, giao tiếp được mở ra trong xã hội công nghệ. Điều đó cũng có nghĩa là con cái chúng ta được lớn lên trong một bối cảnh văn hóa mới. Và giữa rất nhiều cái được trong cuộc sống cũng có cái mất. Một kiến trúc sư làm nhà cho các khách hàng giàu có kể anh ta đã phải soạn một danh sách dài những địa chỉ trị liệu tâm lý trẻ em để gửi cho khách hàng của mình, vì họ hỏi thăm và nhờ giúp đỡ. Anh cũng nhiều lần chứng kiến bọn trẻ sống hoàn toàn trên màn hình, không còn để tâm đến thế giới chung quanh. Cá biệt, có đứa còn trách móc cay độc và không thừa nhận cha mẹ chúng, vì họ không giống các hình mẫu mà chúng thần tượng trên cõi mạng.
Những nạn nhân mới
Kém kỹ năng thực tế, thiếu sự quan sát đời sống thì dễ đi kèm với nguy cơ tổn thương tâm lý. Đây chính là kẽ hở rất lớn dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên mạng xã hội.
Những mối nguy hiểm phát sinh từ chính bản thân các em khi không phân biệt được giới hạn của tương giao với người khác và trách nhiệm kiểm soát sự tự do của bản thân. Biểu hiện là chuyện gì các em cũng chia sẻ lên mạng (thậm chí cả những nội dung phi pháp), là sự quan tâm thái quá đến những nội dung khiêu dâm, bạo lực, các trò thử thách giới hạn nguy hiểm… Đôi khi cha mẹ cũng khó tưởng tượng ra đứa con hiền lành của mình lại chính là kẻ bạo lực ngôn từ và chuyên đi bắt nạt người khác trong thế giới mạng.
Mối nguy hiểm cũng có thể đến từ những người lạ mà các em kết nối trên mạng: những trò lừa đảo tiền bạc, thao túng tinh thần, những cạm bẫy tình dục và tống tiền… Thời gian qua, báo chí nêu nhiều trường hợp các em gái hẹn hò với bạn bè trên mạng bỏ nhà đi. Nạn nhân không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở các vùng quê, nơi trẻ em không được cung cấp các kỹ năng an toàn khi sử dụng mạng xã hội. Và còn một mối nguy khác đến từ chính bạn bè, người thân của các em. Nhiều bậc cha mẹ đã tá hỏa khi xem được ngôn ngữ tin nhắn của con cái mình với bạn bè chúng hầu hết là các ngôn từ bạo lực, tục tĩu và có những suy nghĩ tiêu cực.
Mới đây, hãng bảo mật Kaspersky đưa ra cảnh báo về việc trẻ em Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục qua mạng. Xu hướng chia sẻ quá nhiều trên thế giới mạng của thế hệ Z; sự nôn nóng, hồ hởi khẳng định về dấu ấn cá nhân và phong cách nhóm sẽ trở thành nguy cơ thực sự nếu các em không được trang bị các kỹ năng an toàn trên mạng.
Trở lại với trách nhiệm của phụ huynh, những người cung cấp cho con em mình các thiết bị công nghệ di động. Việc cung cấp phương tiện phải đồng thời và nhất thiết đi cùng với các hướng dẫn an toàn trên mạng Internet. Việc khống chế thời gian con cái sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ trong thời đại này là những áp đặt khó khăn, nhưng việc dành thời gian để chuyện trò và thiết lập lại các tương tác đời sống với con cái là điều được các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh nên làm. Qua đó, cha mẹ có thể tìm cách nắm bắt các vấn đề khó xử hay nguy hiểm mà con mình đang gặp phải trong các mối quan hệ qua mạng để giúp con tháo gỡ và định hướng, tránh trở thành nạn nhân.
Về kỹ thuật, hiện cũng có những phần mềm và ứng dụng giúp cha mẹ kiểm soát giờ giấc sử dụng máy tính của con cái. Nhưng việc giám sát không thực sự hiệu quả nếu không xây dựng nơi con trẻ một nhận thức và thói quen làm chủ giờ giấc và kiểm soát bản thân trên không gian mạng. Mới đây, ông Yeo Siang Tiong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky, cho rằng đã qua rồi câu chuyện tập trung mối lo vào điểm số hay học bạ đẹp của con cái. “Mối lo âu lớn lao của các bậc cha mẹ – người đang nuôi dạy những đứa trẻ “siêu kết nối” là liệu con mình có trở thành mục tiêu tấn công của các dạng tội phạm mạng hay không(?). Cũng không nên đổ lỗi cho con em của chúng ta vì chúng đang đứng trước rất nhiều thách thức: bị bắt nạt, bị dụ dỗ trên mạng, thậm chí bị đánh cắp thông tin cá nhân ngay chính tại trường học”, ông chia sẻ.
Có lẽ vấn đề đầu tiên và cũng là cách tốt nhất để phụ huynh giám sát và hướng dẫn con cái trong việc sử dụng mạng Internet đó chính là nêu gương. Liệu chúng ta có trở thành tấm gương cho con cái noi theo nếu bản thân dành hơn sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày để lên mạng, và đa phần là theo đuổi những kết nối vô bổ?