Thứ bảy, 23 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Sống khổ cạnh bãi rác tự phát

Chủ nhật, 03/09/2023 | 21:46
[G-News24/7] -

Người phụ nữ 75 tuổi sống trong ngõ 210/41 đường Đội Cấn (quận Ba Đình) im lặng, thở dài. "Ai cũng muốn sạch nhà mình, còn người khác ảnh hưởng ra sao thì kệ", bà nói.

Gia đình bà Tho đã sống trong con ngõ này gần 50 năm. Hơn chục năm trước, cứ chiều tối một vài người ở xóm trên lại mang rác ra bức tường trống sát nhà bà để, nói chờ xe rác thu gom. Nhưng lâu dần, người ta mang rác ra đó vứt bất kể giờ giấc.

Sống cạnh bãi rác tự phát, bà Tho nói khổ nhất là mùi. Mỗi lần có cơn gió lùa qua, bà lại rùng mình, đầu óc choáng váng vì đủ thứ mùi thiu thối xộc thẳng vào nhà. Khi mưa lớn, nước đen kịt ở con mương gần nhà dềnh lên, ngập ngang đầu gối, khiến các túi rác to, nhỏ nổi lềnh phềnh, tràn cả vào nhà. "Nhà nào nâng cao nền còn đỡ, chứ để nước tràn vào nhà thì sợ vô cùng", bà kể.

dscf3239-jpg-1692455750-2165-1692458159.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=71N_ao0ZjjYgkcSA_yabyA

Một người đi đường tiện vứt rác thải ngay tại bãi tự phát sát nhà bà Tho, sáng 17/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Hơn mười năm sống cạnh bãi rác tự phát cũng là hơn ba nghìn ngày gia đình bà cùng các hộ xung quanh tìm đủ cách xóa sổ nó. Họ góp tiền làm biển cấm đổ rác, chủ động thu dọn hoặc bàn tính cắt cử người gác. "Nhưng canh được ban ngày thì dân lén đổ đêm", bà Tho nói.

Thời gian gần đây, tấm biển "Cấm xả rác" bị xe chở phế thải đâm thủng, cả xóm lại góp tiền in tấm biển dài gần 3 m "Giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị là trách nhiệm của mỗi công dân".

"Biển treo phía trên, rác vứt đầy bên dưới, cao cả mét, phản cảm vô cùng. Sống giữa lòng thủ đô mà nhếch nhác, hôi thối tôi cũng ngại mời khách đến nhà chơi", người phụ nữ 75 tuổi than thở.

Chị Phạm Thị Lan, công nhân vệ sinh thuộc Tổ môi trường số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, cho biết bãi rác tự phát trong ngõ 210 là một trong nhiều địa điểm tập kết sai quy định, tồn tại lâu năm trên địa bàn phường. Thời gian đầu nhân viên cùng người dân sống gần các khu vực trên liên tục nhắc nhở, dọn dẹp, sau phối hợp với cơ quan chức năng ra quân ngăn chặn các bãi rác tự phát "nhưng chỉ được vài ngày".

"Nhiều ngày tôi phải đi ba, bốn lượt mới dọn sạch được khu vực trên, nhưng sáng hôm sau lại ngập rác", chị Lan cho biết.

img-8335-1692455761-8060-1692458159.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bfXDdOuoUmJgUiebSugzqQ

Một bãi rác tự phát bốc mùi hôi thối đang lấn chiếm hết vỉa hè trên đường chùa Láng (quận Đống Đa), đẩy người đi bộ xuống lòng đường, chiều 16/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

20 năm sống tại ngõ 445 đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) đủ để chị Thu Phương (47 tuổi) chứng kiến các bãi rác tự phát mọc ngày càng nhiều trong con ngõ dài gần 500 m.

Chị cho biết, 18-19h mỗi ngày đều có xe đi thu gom, đầu ngõ cũng có nơi tập kết, nhưng quanh các khúc cua, khu vực gần cột điện hay tường trống đều ngập rác, che kín biển cấm và cảnh báo xử phạt. Nhiều thời điểm rác ùn ứ, bốc mùi hôi thối buộc chị phải bế con sang nhà người thân ở nhờ.

"Mọi người nói tôi làm quá, thấy mùi thì đóng kín cửa nhưng thú thực ghê lắm. Ban đầu tôi cũng cố dọn, sau thử đỗ xe máy, đặt bàn ghế chắn ngang nhưng họ quen tay vẫn cứ vứt. Nếu nhắc nhở còn bị họ chửi mắng lại nên đành kệ. Hôm nào không chịu được cả gia đình lại đi di tản", chị Phương kể.

Vài năm trở lại đây, số lượng các bãi rác tự phát trong các khu dân sinh ngày càng tăng. Khảo sát của VnExpress trên tất cả các tuyến đường cho đến ngõ ngách tại các quận như Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm đều xuất hiện bãi rác tự phát. Điều nghịch lý là càng những khu vực có rào chắn, có biển báo cấm đổ rác lại là nơi ngập nhiều rác thải nhất.

Một tổ trưởng vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết nhiều năm qua đơn vị liên tục phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân vứt rác đúng nơi quy định. "Nhưng nhắc nhở là một chuyện, người dân có nghe theo hay không là việc khác", người này nói.

Những bãi rác tự phát trở thành gánh nặng tăng thêm của công nhân vệ sinh bởi ngày nào cũng phải đi rà soát, phát hiện các điểm mới phát sinh để dọn dẹp. Nhưng trong bối cảnh mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, điều này khiến công việc của các công nhân trở nên quá tải.

dscf3259-jpg-1692455772-2695-1692458160.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RaLW2q0nVUpYqhMVQxM_5w

Người dân sống gần ngõ 94 đường Tân Mai vứt rác ngay ra đầu ngõ sáng 17/8, sau khi các nhân viên môi trường vừa dọn sạch khu vực này được một tiếng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhiều năm nay, người dân sinh sống tại hai con ngõ 94 và 147 đường Tân Mai (quận Hoàng Mai) phải chung sống với một bãi rác tự phát ngay ở đầu ngõ. Chị Phạm Lan (40 tuổi), sống cạnh khu vực này, cho biết ban đầu chỉ có một vài người bán hàng "để tạm" trong lúc chờ xe rác nhưng đến nay bãi rác phình to, chiếm 1/2 lối vào ngõ.

Để ngăn chặn, các hộ dân sống xung quanh góp tiền làm biển cấm, lắp camera theo dõi để công khai danh tính người thiếu ý thức. Được vài ngày, cả biển và camera đều bị phá hỏng, người nhắc nhở lại bị chính người xả rác dọa đánh, buộc người dân phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.

"Mùi hôi thối, mất mỹ quan là đương nhiên, nhưng không ít lần tôi chứng kiến nhiều người lần đầu đến ngõ do không quen địa hình đã đâm thẳng vào bãi rác, may mắn chưa xảy ra các vụ việc thương tâm", chị Lan kể.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cho biết sự nở rộ của các bãi rác tự phát xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Một là nhận thức trong vấn đề bảo vệ môi trường của người dân chưa cao; hai là thói quen vứt rác bừa bãi tồn tại từ lâu và cuối cùng quan trọng nhất là chưa có những chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe.

Theo bà, chỉ khi có chế tài xử phạt đủ mạnh, có tính răn đe, đồng thời trao quyền cho người dân trong việc phát hiện các hành vi vi phạm và báo cáo cho cơ quan chức năng, các bãi rác tự phát mới có thể triệt tiêu.

Nhưng trong thời gian chờ các biện pháp thực thi, gia đình chị Lan, chị Phương hay bà Tho vẫn chịu cảnh phải sống chung với rác.

"Có cách nào ngăn chặn trong khả năng, chúng tôi cũng thử làm hết rồi", bà Tho nói.

Quỳnh Nguyễn

g-news247