Quyển sách tập hợp những tư liệu đương thời về Hoàng hậu Nam Phương, người được mệnh danh là "quốc mẫu tân thời" triều đại quân chủ cuối cùng của nước Việt Nam qua góc nhìn của báo giới thời bấy giờ.
Nói đến sự xuất hiện của Hoàng hậu trên các nhật báo, tạp chí đương thời, có thể tính từ thời điểm bà Nguyễn Hữu Thị Lan được chọn làm Hoàng hậu, báo chí ba kỳ đưa tin liên tục vì luồng gió mới mà bà đã mang lại trên những trang Tràng An báo, Hà Thành ngọ báo, Phụ nữ tân văn… Những thông tin, hình ảnh về một người phụ nữ “tấn bộ” đầu thế kỷ XX hội đủ các yếu tố: nhan sắc, học thức, thiện tâm, giàu sang, quý phái, nhã nhặn, khéo ăn nói, giỏi giao thiệp được đăng tải khắp trong và ngoài nước.
Ấn phẩm "Nam Phương Hoàng hậu - Vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934 - 1945)" vừa được NXB Tổng hợp TPHCM ra mắt bạn đọc
Sách dày 190 trang, kể về mối duyên của Nguyễn Hữu Thị Lan cùng Hoàng đế Bảo Đại, đến vị trí Chánh vị trung cung đồng hành cùng Hoàng đế, cuối cùng là hành trình của bậc Mẫu nghi thiên hạ…
Trong khuôn khổ của cuốn sách này, thông qua tài liệu báo chí trong giai đoạn 1934 - 1945, bạn đọc sẽ biết thêm về hình tượng một vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, đã nỗ lực thoát ly khỏi bó buộc ngặt nghèo của truyền thống đối với người phụ nữ Việt Nam. Từ đó, góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những việc Hoàng hậu Nam Phương đã làm trong giai đoạn lịch sử phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Đối với Nam Phương Hoàng hậu, bà cố gắng thực hiện đầy đủ trách nhiệm với cương vị là một người con dâu hoàng tộc, chẳng những thế, bà còn được coi là một vị “quốc mẫu tân thời”. Bằng học thức và tài năng của mình, Nam Phương Hoàng hậu đã đồng hành cùng Hoàng đế trong công việc và đời sống. Nếu như Hoàng đế lo công việc về chính trị thì Hoàng hậu giữ vai trò là một vị quốc mẫu với công tác từ thiện xã hội, đó là điều hiếm có hay có thể coi là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử 143 năm triều Nguyễn.
Không còn bó buộc tại nội cung, Hoàng hậu đã đến gần hơn với thần dân của mình, không hề chậm trễ trong các việc ích nước lợi dân thông qua các công tác từ thiện xã hội, quyên góp, chăm lo nhà phước, cổ vũ giáo dục… Vì lẽ đó, bà còn được xem đại diện cho tinh thần nữ lưu đầu thế kỷ XX, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào nữ giới, các hoạt động từ thiện, xã hội. Từ những việc làm của bà, hậu thế biết hơn về vai trò cũng như là trách nhiệm trên vai một người phụ nữ danh giá lúc bấy giờ.
VIÊN THI