Tại hội nghị, ý kiến lãnh đạo các tỉnh trong vùng đều cho rằng, những nút thắt phát triển lớn nhất nằm ở năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang, và chất lượng nguồn nhân lực của vùng. Vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50% cả nước, nhiều người chỉ học hết lớp 7 đã đi làm, nên phần lớn nguồn nhân lực là lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cao và có khả năng sử dụng ngoại ngữ...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ khó khăn với các tỉnh trong vùng, nhất là về nguồn lực tài chính và chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Phó Thủ tướng, việc bố trí gần 50% tổng nguồn vốn ngân sách trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng trung du và miền núi phía Bắc thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với khu vực này. Trong điều kiện ngân sách trung ương và cả địa phương có hạn, rất cần có tư duy mới, cách làm mới nhằm tăng cường tính kết nối giữa các địa phương, trước mắt tập trung vào kết nối giao thông và tạo sinh kế từ rừng để người dân sống được bằng rừng và từng bước khá lên từ rừng. Các địa phương cần tính toán, cân nhắc để điều chỉnh hợp lý quy mô từng công trình, dự án của địa phương mình, bảo đảm tăng tính chất liên kết vùng thay vì làm riêng rẽ và trông chờ nguồn vốn từ trung ương. Đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn dự báo.
PHAN THẢO