Theo đó, ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Boeing cho biết, Việt Nam hiện đang là điểm đến của rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Ngoài môi trường đầu tư hấp dẫn, năng lực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cải thiện. Tỷ lệ cung ứng được gia tăng. Đây cũng là nền tảng để hỗ trợ các tập đoàn đầu tư nước ngoài phát triển bền vững hơn khi chọn Việt Nam đầu tư.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ tìm kiếm cơ hội hợp tác cung ứng hàng hóa
Tuy nhiên, cũng theo ông Maxime Dourdan, ngành công nghiệp hàng không với những công nghệ sản xuất phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không thể ngay lập tức có thể tìm được các nhà cung cấp. Do vậy, tập đoàn đã thiết lập lộ trình tìm kiếm nhà cung ứng của Việt Nam và bắt đầu từ nhà cung ứng cấp 3, cấp 4, tiến tới nâng dần năng lực của doanh nghiệp Việt cấp 1 và 2 để có thể cung cấp những sản phẩm phụ trợ trọng yếu hơn.
Liên quan vấn đề này, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, hiện tại, Việt Nam đang có 25.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp Việt đã tham gia cung cấp linh kiện ngành ô tô, xe máy, điện tử… cho Honda, Toyota, THACO, Vinfast, Samsung, Panasonic… Riêng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nói chung và Boeing nói riêng khá mới mẻ. Tuy nhiên, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tiếp cận và thích ứng.
Được biết, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,27 tỷ USD, dù giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và những năm tới.
MINH XUÂN