Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Thách thức với G20 khi ông Tập vắng mặt

Thứ sáu, 08/09/2023 | 15:14
[G-News24/7] -

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 9-10/9. Thay vào đó, Thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt ông dự diễn đàn, đánh dấu lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc vắng mặt tại hội nghị quan trọng này.

Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định sự vắng mặt của ông Tập không có nghĩa Trung Quốc không chú ý đến G20. Việc cử Thủ tướng Lý Cường, người phụ trách chính sách kinh tế của đất nước, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị là một quyết định hợp lý, nhằm thảo luận những vấn đề kinh tế và tài chính quốc tế.

33fj3g9-highres-1685023908-331-5177-3230-1693885825.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e1wQwEclhIeESnfRItQiCw

Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, hồi tháng 5. Ảnh: AFP

Thủ tướng Lý Cường là lãnh đạo cấp cao thứ hai Trung Quốc, nhưng theo Josh Lipsky, chuyên gia từ Trung tâm Kinh tế Địa chính trị thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở tại Washington, khi ông Tập vắng mặt, điều này sẽ đặt ra câu hỏi về "khả năng tồn tại và thành công bền vững lâu dài" của G20.

"Khi G20 lên tiếng về vấn đề nào đó, họ đang nói mà không có xác nhận từ Trung Quốc", Lipsky cho hay. "Đó là mối đe dọa hiện hữu đối với tương lai G20".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc hy vọng hội nghị G20 sẽ tập trung thảo luận về biện pháp phục hồi kinh tế toàn cầu, khi áp lực suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn trong phát triển bền vững đang không ngừng gia tăng.

"G20 cần tăng cường quan hệ đối tác và cùng nhau giải quyết những thách thức còn tồn tại trong lĩnh vực kinh tế và phát triển quốc tế, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi, tăng trưởng và đi lên của nền kinh tế thế giới, đồng thời đóng góp tích cực cho phát triển bền vững toàn cầu", bà Mao nói.

"Trung Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh New Delhi sẽ xây dựng được đồng thuận về vấn đề này, truyền niềm tin cho thế giới bên ngoài, đồng thời cùng thúc đẩy thịnh vượng và phát triển", bà cho biết thêm.

Tuy nhiên, chuyên gia Wang Yiwei cho rằng G20 đang hướng sự chú ý của mình vào quá nhiều vấn đề ngoài phạm vi kinh tế, trong lúc cạnh tranh địa chính trị tăng nhiệt.

"G20 hiện nói về mọi thứ và tham gia vào cả chính trị, giống như việc Nhật muốn các lãnh đạo G20 nhất trí với kế hoạch xử lý nước thải hạt nhân của mình. Mọi người đều có chương trình nghị sự riêng tại đó", ông Wang nói.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông dự định tận dụng cơ hội tại G20 để giải thích cho thế giới hiểu về quyết định xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với quyết định xả thải này và đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật.

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế cũng từ Đại học Nhân dân, cho rằng vì nhiều quốc gia G20 hiện có "mức độ đối đầu khác nhau" với Trung Quốc, nên G20 có thể bị Bắc Kinh coi là một nền tảng bị "thu hẹp giá trị" vì chỉ tạo ra ảnh hưởng hạn chế. Điều đó có thể là một trong những lý do ông Tập không tới dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm.

Việc ông Tập vắng mặt tại hội nghị nhiều khả năng cũng sẽ làm lung lay tầm vóc của G20 với tư cách một diễn đàn cho các lãnh đạo toàn cầu thảo luận các vấn đề hệ trọng, trong bối cảnh rạn nứt giữa các thành viên ngày càng sâu sắc.

Một trong những rạn nứt nổi bật là quan hệ giữa Trung Quốc với nước láng giềng Ấn Độ, cũng là chủ tịch G20 năm nay. Căng thẳng song phương lên đến đỉnh điểm sau vụ đụng độ tại khu vực biên giới trên dãy Himalaya hồi tháng 6/2020 khiến nhiều binh sĩ hai bên thiệt mạng.

Quân đội hai nước sau đó đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhưng chưa đạt được đồng thuận. Trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi gần đây, ông Tập và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng trong quan hệ Ấn - Trung, nhưng cũng chưa nhất trí được các thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Quyết định không dự G20 của ông Tập có thể là một đòn giáng mạnh vào nước chủ nhà Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi đang khó xử với luồng quan điểm khác nhau giữa các thành viên về những vấn đề nóng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó xác nhận không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người thay mặt ông Putin dự sự kiện, nói Moskva sẽ chặn tuyên bố chung của hội nghị G20 nếu nó không bao gồm quan điểm của Nga về xung đột Ukraine.

Những chia rẽ này có thể ngăn cản G20 đạt tiến triển trong những vấn đề như an ninh lương thực, áp lực nợ và hợp tác toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

FBVWCK2IMBM67CST4ETG3LE4TI-4755-1693885826.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qAul9Srhf7IsbUie4lOBYg

Logo G20 bên ngoài một nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hôm 4/9. Ảnh: Reuters

Thông báo từ Bắc Kinh cũng làm lu mờ hy vọng về một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị G20, nơi hai bên có thể thảo luận những vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, Zhu Feng, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định việc ông Tập quyết định không dự hội nghị thượng đỉnh G20 không phải là động thái nhắm tới Mỹ, mà chủ yếu là do vướng mắc trong quan hệ với Ấn Độ.

"Ông Tập chọn không tham dự là điều bình thường", Zhu nói, thêm rằng các cuộc tập trận của Ấn Độ ở biên giới với Trung Quốc, dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian hội nghị, sẽ gây áp lực đáng kể lên Bắc Kinh.

Trung Quốc từng tẩy chay sự kiện du lịch G20 ở khu vực Kashmir, nơi Ấn Độ đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nước này và Pakistan

Các nhà phân tích cho rằng ông Tập ban đầu có thể coi G20 là một phương tiện để tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc, nhưng diễn đàn này ngày càng đối mặt nhiều thách thức hơn, khi nhiều thành viên G20 thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Dù vậy, Paul Haenle, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, cho rằng việc ông Tập vắng mặt tại hội nghị không chỉ gây ra nhiều khó khăn cho G20, mà còn tạo ra một số tổn hại với chính Trung Quốc.

"G20 đối mặt nhiều thách thức hơn nhưng sẽ không biến mất", Haenle nhấn mạnh. "Trong khi đó, việc ông Tập không tham dự sự kiện có thể làm giảm khả năng định hình chương trình nghị sự toàn cầu của Trung Quốc".

Vũ Hoàng (Theo SCMP, Financial Times)

g-news247