Làm sao để hai mục đích lấy điểm để học sinh tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học có thể cùng song hành trong một kỳ thi nhằm đảm bảo tính hiệu quả nhưng vẫn tiết kiệm, giảm tải áp lực cho học sinh, sinh viên? Có phương pháp không? Câu trả lời của tôi là có, đó chính là thay đổi thang điểm chấm thi thay vì thang 10 như những gì trước đây đang làm.
Những kỳ thi quan trọng trên thế giới đều sử dụng những thang điểm khác biệt so với thang điểm để đánh giá, chấm điểm học sinh trong nhà trường: SAT (dao động từ 400-1600 điểm), Cao Khảo (0 - 750, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trung Quốc), TOEIC (0 - 990)...
Ngược lại những kỳ thi thí sinh chỉ cần vượt qua một giới hạn chất lượng thì thường có thang điểm 10 hoặc thấp hơn nữa như thang 5 như điểm đánh giá học sinh, sinh viên trong nhà trường, IELTS, GPA 4.0...
Có thể thấy những kỳ thi các thí sinh cạnh tranh trực tiếp với nhau sẽ có thang điểm lớn để gia tăng khoảng cách giữa các thí sinh để tăng cường khả năng lựa chọn các thí sinh ưu tú. Ngược lại các kỳ thi chuẩn hóa, qua một giới hạn chất lượng thì thang điểm rất bé, và không cần chú trọng khoảng các giữa các thí sinh.
Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là vượt qua một giới hạn chất lượng giáo dục đó là đủ điểm tốt nghiệp. Do đó, họ sẽ sử dụng thang điểm 10 đã quen dùng đánh giá học sinh trong nhà trường, trong học bạ. Ngược lại mục tiêu của các trường đại học phải là sự khác biệt tối đa giữa các thí sinh nhằm phân loại phục vụ cho lựa chọn các thí sinh vượt trội nên phải sử dụng thang điểm lớn.
Do đó, tôi đề xuất bộ thay đổi thang điểm chấm điểm kỳ thi TN THPT thành các thang điểm lớn.
Ví dụ với kỳ thi Cao Khảo của Trung Quốc, tổng điểm tuyển sinh đại học từ 0 đến 750 điểm. Theo đó, có thể thấy có hai thang điểm: Từ 0 - 100 (cụ thể ở ví dụ trên là 70.67) là điểm tốt nghiệp.
Ngược lại các trường đại học sẽ lấy thang điểm từ 0 đến 750 bằng việc đưa ra các công thức tính riêng dựa vào ưu tiên cách ngành đào tạo mà tính hệ số khác nhau cho các môn thi, các bài thi của thí sinh.
Ví dụ một đại học nào đó thuộc khối ngành khoa học tự nhiên áp dụng công thức Toán và Khoa học tự nhiên nhân 2 thì sẽ có điểm tối đa: 150*2 + 150*2 + 100 + 120 + 120 = 640 điểm.
Điều này phụ thuộc vào ban tuyển dụng của các trường đại học đề ra cách tính điểm sao cho lựa chọn được các thí sinh ưu tú. Ngược lại do thang điểm tốt nghiệp trung học phổ thông khác với thang điểm đánh giá trong nhà trường nên điểm thi tốt nghiệp chỉ phản ánh mức độ khó của đề thi và năng lực của thí sinh.
Dựa vào mức điểm trung bình của số lượng học sinh khá phân bổ ở đâu thì chúng ta sẽ biết mức độ khó của đề. Có đề dễ mức độ học sinh khá phân bổ ở điểm 70.00, có đề khó mức độ học sinh khá phân bổ ở 50.00.
Do đó, tôi nghĩ thang điểm có thể là giải pháp để thực hiện hai mục tiêu khác nhau trong một kỳ thi. Và quyền chủ động tuyển dụng vẫn thuộc về các trường đại học thông qua cơ chế tính điểm riêng của họ, ngược lại cơ quan quản lý vẫn kiểm soát được chất lượng giáo dục thông qua việc tự ra đề.
Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.