Chiều ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ thông báo về việc phát hành 9.995 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá là một lần đầu kỳ, ngày đến hạn vào 19/10.
Đây là phiên đầu tiên NHNN sử dụng lại nghiệp vụ bán kỳ hạn sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3). Động thái hút tiền khỏi thị trường diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục dư thừa trong thời gian gần đây.
Số liệu mới công bố của NHNN cũng cho thấy tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14-15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8.
Trong cuộc họp trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN đang theo dõi rất sát tỷ giá để có thể điều hành phù hợp. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên, cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
Việc cơ quan quản lý mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu được kỳ vọng giảm bớt sự dư thừa thanh khoản hệ thống và tạo ra áp lực làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ tác động tích cực đến tỷ giá, vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Bàn luận về hành động thắt chặt tiền tệ trở lại này, ông Huỳnh Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT - cho biết việc này là hợp lý trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa (lãi suất liên ngân hàng đang về 0,15%/năm); đồng thời giúp giảm áp lực tỷ giá và hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá.
Đối với thị trường chứng khoán, tin tức này sẽ có tác động ngắn hạn về mặt tâm lý và khiến thị trường dễ điều chỉnh nhưng không quá đáng ngại. Nhà đầu tư có thể mua vào một khi thị trường đã phản ánh thông tin.
"Việc hút thanh khoản giúp ổn định tỷ giá, tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên trung hạn của thị trường chứng khoán", ông Tuấn đánh giá.
Thực tế, thực trạng dư thừa thanh khoản tạo ra áp lực tỷ giá tăng cao gần đây, điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn mạnh. Trên thị trường chứng khoán, khối ngoại đã rút ròng hơn 4.900 tỷ đồng từ đầu tháng 9 đến nay, mức mạnh nhất kể từ đầu năm.
Nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng vẫn ổn định lạm phátChúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.