Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Thủ khoa đầu tiên đạt điểm tuyệt đối của ĐH Kinh tế quốc dân

Thứ ba, 05/09/2023 | 08:15
[G-News24/7] -

Anh Ngọc, 22 tuổi, ở Hà Nội, là sinh viên lớp Kiểm toán, Viện Kế toán - Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế quốc dân. Bốn năm trước, Ngọc là thủ khoa đầu vào của Viện với 27,9 điểm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).

Sáng 26/8, Ngọc được đại diện gần 5.000 tân cử nhân phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Nữ sinh nói trở thành thủ khoa kép, là sinh viên đầu tiên tốt nghiệp với điểm tuyệt đối là điều cô chưa từng nghĩ đến.

a5beefc5ae377c692526-jpeg-7863-1693062206.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M0qrCUBKBWsAu8db93W90A

Trần Anh Ngọc trong buổi chụp kỷ yếu năm cuối đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời cấp ba, Ngọc học chuyên Hóa, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì thế, ban đầu nữ sinh định thi ngành Y khoa và trở thành bác sĩ theo định hướng của gia đình. Trong hai năm đầu THPT, cô duy trì học cả Sinh và Vật lý để thi hai tổ hợp A00 và B00 (Toán, Hóa, Sinh). Tuy nhiên, tới năm lớp 12, Ngọc suy nghĩ lại và quyết định bỏ dự định làm bác sĩ.

"Mình chọn Kiểm toán vì thích công việc liên quan đến số liệu cùng sự tỉ mỉ, chính xác. Những yêu cầu này của ngành khá phù hợp với tính cách của mình", Ngọc giải thích lý do thi vào Viện Kế toán - Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Trong khi nhiều tân sinh viên bị ngợp với môi trường mới, chưa quen phương pháp học nên bị điểm kém trong học kỳ đầu tiên, Ngọc không gặp khó khăn. Nữ sinh nói từ ngày ở THPT đã được học nhiều thầy cô là giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên nên quen với cách dạy và việc tự học. Vì thế, Ngọc bắt nhịp nhanh trong học kỳ đầu tiên.

Ngọc cho rằng điểm mạnh của mình là thích học, lại không đi làm thêm, nên có thể chuyên tâm hoàn thành tốt chương trình. Cô thường ngồi bàn đầu để nghe giảng được rõ và tương tác với giảng viên nhiều hơn. Nếu chỉ học nửa ngày, buổi còn lại Ngọc sẽ tới thư viện trường để ôn lại bài ngay hôm đó. Nhờ vậy, cô gần như không phải học tối hay thức khuya, thường đi ngủ lúc 22h30.

Trước mỗi đợt thi, Ngọc thống kê số dạng bài và câu hỏi đã học theo từng môn, rồi ôn lần lượt. Riêng các môn đại cương, cô vẽ sơ đồ tư duy để nhớ nhanh hơn.

Ngọc đánh giá Kiểm toán nội bộ là môn khó nhằn, suýt trở thành môn duy nhất không đạt A trong bảng điểm. Môn này lần đầu được dạy với khóa của Ngọc nên giáo trình và các tài liệu chưa phong phú, cô cũng không thể hỏi kinh nghiệm của anh, chị khóa trên. Ngọc phải tự đọc rất nhiều, cũng thường xuyên liên lạc với thầy cô để hỏi bài. Nhờ vậy, cô được 8 điểm thi cuối kỳ, tổng kết 8,6.

375b8700478195dfcc90-jpeg-1638-1693062206.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PkICYUtRav4eZ6shsFmx2g

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân (bên phải), và PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng trường, trao giấy khen và hoa cho Ngọc trong lễ tốt nghiệp, sáng 26/8. Ảnh: NEU

Ngọc quan niệm học để mở mang kiến thức nên không chạy theo điểm số. Cô cũng cho rằng việc một sinh viên dành nhiều thời gian để học hơn tham gia các hoạt động ngoại khóa không có gì đáng phê phán.

"Đi học mà có thể tiếp thu được hết những điều thầy cô chia sẻ thì có gì không tốt? Vì mình nghĩ ngoài chuyên môn, thầy cô còn chia sẻ thực tế doanh nghiệp, thị trường việc làm, kinh nghiệm sống. Nên nếu thực sự tập trung, mình học được rất nhiều", Ngọc nói.

Dù thành tích học tốt, Ngọc từng có giai đoạn cảm thấy "mình chưa làm được gì nhiều", trong khi bạn bè năng động, có nhiều thành tích trong và ngoài trường. Điều này thôi thúc Ngọc đăng ký thi nghiên cứu khoa học cấp trường hồi năm thứ hai. Do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, cô cùng ba thành viên chọn đề tài về khoa học xã hội, nghiên cứu hành vi trì hoãn học tập của sinh viên. Kết quả, nghiên cứu này đạt giải nhất.

"Có thể với nhiều người, giải thưởng này không có gì đáng kể, nhưng mình đã rất bất ngờ và vui sướng", Ngọc kể.

Cô gái Hà Nội nói đây là dấu mốc quan trọng trong quãng đời sinh viên, bởi nó giúp Ngọc tin vào bản thân, mạnh dạn hơn. Ngọc cũng học được cách làm việc nhóm, khả năng đọc và tìm tài liệu.

Năm thứ ba, Ngọc vượt qua bốn vòng thi, gồm vòng hồ sơ, kiểm tra chuyên môn, phỏng vấn nhóm và cá nhân để giành một suất thực tập tại Ernst & Young - một trong bốn công ty hàng đầu trong lĩnh vực kiểm toán (Big 4).

Trước đó, Ngọc đã "nghe đồn" về công việc áp lực ở đây. Thực tế trải nghiệm trong bốn tháng, từ cuối năm 2022 tới tháng 4/2023, cô thấy dù là thực tập sinh, khối lượng công việc phải đối mặt và giải quyết rất lớn. Ít nhất mỗi tuần một lần, Ngọc phải đi công tác ở tỉnh, có tuần đi 2-3 nơi. Việc thức đêm, "chạy deadline" cũng diễn ra thường xuyên. Dù vậy, thời gian này giúp Ngọc học được nhiều về chuyên môn và giao tiếp tốt hơn.

03a4a1955e178c49d506-jpeg-4085-6163-8566-1693065589.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=di8pSQWSr6gSfikdLuYLVg

Anh Ngọc và bố mẹ sau lễ tốt nghiệp, sáng 26/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Lê Kim Ngọc, giảng viên Viện Kế toán - Kiểm toán, nhận xét học trò thông minh, có nền tảng xuất sắc nhưng không chủ quan. Về tính cách, Ngọc khiêm tốn và tình cảm. Cô còn ấn tượng với tinh thần lạc quan, đôi mắt sáng và nụ cười tươi của Ngọc.

"Ngọc luôn chủ động, chỉn chu trong việc học. Em cũng là sinh viên tiêu biểu, được kết nạp Đảng trong quá trình học", cô giáo nói.

Hiện, Ngọc làm việc tại một ngân hàng lớn, phụ trách vị trí trợ lý kiểm toán ở bộ phận kiểm toán nội bộ. Về kế hoạch lâu dài, cô nói sẽ tiếp tục học thạc sĩ, ngành Kinh tế Tài chính (Fintech) để phục vụ nhiều hơn cho công việc.

Nhìn lại bốn năm đại học, Ngọc nói không có điều gì ân hận hay tiếc nuối, vì đã làm hết sức.

"Bây giờ mình muốn dành tâm huyết để hoàn thành tốt công việc hiện tại, tranh thủ học thêm kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ để hoàn thiện bản thân hơn", Ngọc nói.

Thanh Hằng

g-news247