(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng năm 2023, cả nước thu gần 2.000 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 59,8% kế hoạch năm và giảm 18% so với cùng kỳ.
- Đến năm 2025, tỷ lệ phục hồi diện tích rừng tự nhiên sẽ đạt 10%
- AstraZeneca dành 1.200 tỉ đồng để trồng rừng ở Việt Nam
Theo TTXVN, nhiều nguyên nhân dẫn đến số tiền thu dịch vụ môi trường rừng giảm, như trong hai quí đầu năm, nhiều hồ thủy điện ở miền Bắc xảy ra tình trạng hạn hán dẫn đến thiếu nước cho phát điện; sản lượng điện tiêu thụ tại các địa phương cũng giảm nên tác động đến nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, quí 3 mới là thời gian cao điểm thu tiền dịch vụ này.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kế hoạch thu 3.200 tỉ đồng trong năm 2023 cơ bản sẽ thực hiện được vì Việt Nam đang có thêm nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đến từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA), TTXVN đưa tin.
Hiện nay, cả nước có hơn 700 chủ rừng đang quản lý 7,65 triệu héc-ta rừng và đất lâm nghiệp. Cả nước có hơn 400 phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt; có 445.500 héc-ta được cấp chứng chỉ rừng.
Tính riêng trong tháng 8, cả nước có 49 triệu cây giống, đã trồng được 18,7 ngàn héc-ta rừng, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt gần 1.839 ngàn m3.
Phó thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt kế hoạch quốc gia thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, theo TTXVN.
Đến năm 2030, tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa cơ bản được đẩy lùi; tăng tính bảo tồn đa dạng sinh học và phòng hộ; đặt mục tiêu diện tích rừng tự nhiên được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu héc-ta vào năm 2025, đạt 1 triệu héc-ta vào năm 2030; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.