Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó cầu Vĩnh Tuy 2 (giai đoạn 2) là một trong những dự án giao thông trọng điểm.
Công trình hoàn thành góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố; giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở triển khai. Thành phố cần nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao nhằm giảm thiểu ùn tắc, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên, sớm khởi công cầu này và Hồng Hà, Mễ Sở.
Cũng theo Thủ tướng, cầu Vĩnh Tuy 2 xây dựng trong bối cảnh phải có kiến trúc đồng bộ với cầu Vĩnh Tuy 1. Giai đoạn xây dựng cầu Vĩnh Tuy 1 còn nhiều khó khăn nên kiến trúc chưa được ưu tiên. Nhưng với các cây cầu xây dựng trong thời gian tới, ngoài chất lượng công trình, Hà Nội cần chú trọng đến tính thẩm mỹ, để "mỗi cây cầu là một sản phẩm du lịch" phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước.
Vĩnh Tuy giai đoạn 2 gồm cầu và đường dẫn dài khoảng 3,5 km; mặt cắt ngang toàn tuyến rộng 19,25 m. Dự án được khởi công ngày 9/1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Vĩnh Tuy (Vĩnh Tuy 1 và 2) có mặt cắt ngang 40 m với 8 làn ôtô.
Hiện Hà Nội có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Văn Lang (Ba Vì - Việt Trì), Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Thanh Trì. Các công trình chủ yếu do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, riêng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 hoàn thành năm 2010 trước đây và cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 hoàn thành hôm nay do Hà Nội trực tiếp làm chủ đầu tư và thực hiện bằng ngân sách thành phố.
Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Võ Hải