Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Thủ tướng đề cao chủ nghĩa đa phương trong giải quyết vấn đề toàn cầu

Thứ bảy, 09/09/2023 | 01:06
[G-News24/7] -

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Jakarta, Indonesia sáng 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Đây cũng là diễn đàn để các nước cùng nhau đẩy mạnh hợp tác, hóa giải xung đột, nâng cao nhận thức để tiến lại gần nhau hơn.

Theo Thủ tướng, với quy mô trên 54% dân số thế giới và 62% GDP toàn cầu, EAS được kỳ vọng là tâm điểm hội tụ niềm tin, lan tỏa lợi ích và có thể phát huy vai trò của mình thông qua ba nhóm giải pháp.

EAS cần định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế, củng cố lòng tin, hành xử mang tính xây dựng và có trách nhiệm.

648c4d6a3060e53ebc71-169407946-8123-9078-1694079510.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k--WduAyY2qbdXdwFX7HYg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, sáng 7/9. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng cho biết ASEAN sẵn sàng tham vấn, đối thoại và hợp tác bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau với các đối tác, đồng thời trông đợi các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của khối bằng lời nói và hành động.

EAS cũng cần tạo động lực mới cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững bằng các thị trường rộng mở, chính sách thông thoáng, tầm nhìn chiến lược, dài hạn thay vì áp dụng biện pháp cục bộ, ngắn hạn. Những giải pháp này nhằm đưa EAS trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt.

Thủ tướng khẳng định đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành là nền tảng, nguyên tắc quan trọng tạo nên thành công của ASEAN trong 6 thập kỷ qua. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố DOC là những công cụ hữu hiệu phục vụ cho mục hòa bình, ổn định và phồn vinh của Đông Nam Á.

Việt Nam hy vọng tinh thần này sẽ lan tỏa tới những khu vực khác, trong đó có châu Âu, nơi xung đột Ukraine đang diễn ra, cũng như căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng kêu gọi các nước đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên; cùng giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò và giá trị chiến lược của EAS vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Các đối tác cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

8e656ed34cdb9985c0ca-5773-1694070766.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MlC9IsCywiDohWEto4EgeQ

Các đại biểu dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sáng 7/9. Ảnh: Dương Giang

Các nước nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác biển, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời mở rộng các lĩnh vực mới tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu. Các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Đông Á về duy trì và thúc đẩy khu vực là tâm điểm của tăng trưởng.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng kết nối kinh tế, thương mại, đẩy mạnh giao thương, đầu tư, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau.

Thủ tướng đề nghị hai bên dành nguồn lực thích đáng hơn để sớm hoàn tất các dự án cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mong muốn mở rộng tới Việt Nam, lan tỏa khắp ASEAN cả về đường bộ, hàng hải và hàng không.

3578e37acb731e2d4762-8047-1694070767.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iWWv9KQWchnxE0gpws_XAQ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ sáng 7/9. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố thành lập Quỹ ASEAN - Ấn Độ vì tương lai số, khẳng định ASEAN là trụ cột trong chính sách hành động hướng Đông và trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này.

ASEAN và Ấn Độ nhất trí ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu.

Viết Tuân

g-news247