Những con đường chính ở thủ đô New Delhi tràn ngập áp phích và biển quảng cáo khổng lồ thông báo Ấn Độ là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 9-10/9. Trên các áp phích đó, hình ảnh Thủ tướng Narendra Modi, với nụ cười hiền, nổi bật so với phần còn lại.
Thủ tướng Modi cũng xuất hiện trên trang nhất hàng loạt tờ báo lớn. Các kênh truyền hình Ấn Độ chiếu hình ảnh ông bên cạnh từ "Vishwaguru", trong tiếng Hindi nghĩa là "lãnh đạo thế giới". Trong nhiều phát biểu trước công chúng, các quan chức cấp cao Ấn Độ ca ngợi ông là người đưa đất nước phát triển vượt bậc.
Theo giới quan sát, việc Ấn Độ đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20, quy tụ 19 quốc gia giàu nhất thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU), là điều đáng tự hào với đất nước và chính quyền Thủ tướng Modi đang tận dụng nó để quảng bá hình ảnh lãnh đạo cũng như quốc gia.
Theo Manjari Chaterjee Miller từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện nghiên cứu có trụ sở tại New York, Mỹ, Thủ tướng Modi coi nhiệm kỳ chủ tịch G20 là "cơ hội lớn để thể hiện" uy tín của Ấn Độ.
Bà cho rằng với tư cách một cường quốc đang lên, Ấn Độ trong vài năm qua đã được các nước phương Tây "săn đón" và coi là một đối tác rất mạnh mẽ.
"Thủ tướng dường như định vị mình là chính khách toàn cầu, lãnh đạo tư tưởng toàn cầu, tiếng nói đại diện cho một Ấn Độ đang trỗi dậy", nhà phân tích chính trị Sagarika Ghose nhận xét. Ông đánh giá nỗ lực quảng bá hội nghị G20 của Ấn Độ hướng đến thúc đẩy hình ảnh của ông Modi, nhắm tới những người bị lôi cuốn bởi cam kết về tương lai Ấn Độ vươn lên mạnh mẽ.
Miller cho hay việc các lãnh đạo G20 sẵn sàng tham gia những cuộc họp bên lề hội nghị chắc chắn sẽ mang lợi lợi ích đáng kể cho Thủ tướng Modi và Ấn Độ nói chung.
Vài giờ sau khi đặt chân tới New Delhi dự hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Modi, ra tuyên bố 29 điểm đề cao chiều sâu, tầm vóc của quan hệ Mỹ - Ấn, từ xây dựng chuỗi giá trị công nghệ chiến lược đến liên kết các hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng, cung cấp tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân...
"Tổng thống Biden muốn hỗ trợ Thủ tướng Modi trong nỗ lực biến G20 thành một nền tảng toàn diện hơn và thực sự củng cố cam kết của Mỹ với tư cách đối tác tại các thị trường mới nổi", Heidi Crebo-Rediker, cựu chuyên gia kinh tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.
Crebo-Rediker mô tả hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi là sự kiện "mang tính chiến lược đặc biệt" với "bối cảnh địa chính trị rõ ràng", tạo ra cơ hội tỏa sáng cho Thủ tướng Modi.
Giới quan sát đánh giá việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại thượng đỉnh G20 có thể là một khó khăn với tầm vóc toàn cầu của nhóm, nhưng đồng thời cũng gây bất lợi cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Ấn Độ về vai trò tiếng nói hàng đầu trong nhóm các nước đang phát triển.
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden là cuộc gặp thứ hai giữa lãnh đạo Ấn - Mỹ trong vòng 6 tháng. Ông Modi cũng đã tiếp lãnh đạo Mauritius và Bangladesh, đồng thời lên kế hoạch tiếp xúc với nhiều lãnh đạo khác của G20. Crebo-Rediker cho rằng những cuộc gặp này là "cơ hội tuyệt vời" để Ấn Độ tăng cường quan hệ và ảnh hưởng với các đối tác.
Ngoài các giá trị mang lại cho vị thế của Ấn Độ, hội nghị thượng đỉnh G20 cũng đặc biệt quan trọng đối với cá nhân Thủ tướng Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của ông trước thềm cuộc bầu cử năm sau. Một màn trình diễn ấn tượng sẽ cho phép BJP thể hiện vị thế với cử tri.
Các nhà phân tích cho rằng chiến dịch quảng bá rầm rộ của Thủ tướng Modi khắc họa Ấn Độ như một cường quốc đang phát triển toàn cầu chủ yếu hướng tới dư luận trong nước, những người đang khao khát chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.
"Suốt thời gian dài, Ấn Độ được coi là quốc gia với một tỷ người đói bụng. Bây giờ, chúng ta có một tỷ tâm trí đầy khát vọng và những bàn tay lành nghề", ông Modi trả lời phỏng vấn hôm 3/9.
Nhiều người suy đoán quyết định trì hoãn chức chủ tịch G20 của Ấn Độ đến năm 2023 được thực hiện là để đảm bảo nó trùng với thời điểm sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
"Trong cuộc bầu cử này, ông Modi muốn thể hiện mình là một chính khách toàn cầu, lãnh đạo của một quốc gia được cộng đồng quốc tế tôn trọng và đề cao", Happymon Jacob, giáo sư chính sách đối ngoại tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nhận xét. "Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được BJP tận dụng để giới thiệu câu chuyện đó và mang lại động lực cho chiến dịch tranh cử của họ".
Nó còn đến vào thời điểm các nước phương Tây liên tục "săn đón" Thủ tướng Modi, khi ảnh hưởng của Ấn Độ dần tăng lên. Ở Pháp, ông gần đây là khách mời danh dự tại lễ mừng quốc khánh nước này. Hồi tháng 6, Thủ tướng Modi có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ và được Tổng thống Biden đón tiếp long trọng. Trong chuyến thăm Australia gần đây, ông được Thủ tướng Anthony Albanese gọi là "sếp" trước đám đông 20.000 người tại Sydney.
Tuy nhiên, Miller cảnh báo rằng do những chia rẽ về vấn đề Ukraine, không một cuộc họp cấp bộ trưởng nào để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây có thể đưa ra tuyên bố chung. Nếu các lãnh đạo cũng không thể làm điều này tại hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi, đây sẽ là bước lùi đối với tham vọng tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ.
"Sẽ ra sao nếu bạn muốn nói rằng 'hãy nhìn xem, chúng tôi là quốc gia thực sự có thể kết nối giữa các nước đang phát triển và phương Tây giàu có' nhưng lại không thể gắn kết các bên với nhau", bà cho hay. "Nếu không thể đưa ra một tuyên bố chung thực sự truyền đạt điều đó, Ấn Độ có thể hứng chịu hệ quả tiêu cực về hình ảnh".
Vũ Hoàng (Theo SCMP, Guardian)