Trước khi mất, người yêu chị không có biểu hiện gì khác thường. Anh vẫn đi chơi và ăn tối cùng chị. "Anh ấy là người hoạt bát, thích mang đến tiếng cười cho người khác", chị chia sẻ. Chị không ngờ anh mắc chứng trầm cảm cho tới khi anh chọn cái chết.
Không dễ để nhận ra ai đó đang trầm cảm hay bế tắc trong cuộc sống, nhất là khi họ thể hiện mình là người mạnh mẽ. Thời đại học, một đêm, tôi và một vài bạn thân nhận được tin nhắn của một người bạn cùng khóa, cho biết cô cảm thấy cuộc sống của mình thật ngột ngạt. Thoáng chút bối rối, tôi gọi điện lại và biết rằng bạn đang gặp nhiều áp lực: chuyện học hành không như ý, gia đình xảy ra nhiều vấn đề, bố mẹ bạn lục đục ly hôn.
Sau cuộc điện thoại, tôi và nhóm bạn chạy từ TP HCM xuống tận Tiền Giang trong đêm để gặp bạn, mong bạn suy nghĩ lại, tìm cách giải quyết tích cực hơn. Chúng tôi sau đó quyết định nói sự thật về bế tắc của bạn với gia đình bạn. Có lẽ vì thương con gái mình mà bố mẹ bạn chọn cách ngồi lại, giải quyết mâu thuẫn gia đình.
Tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm gần 15% dân số, cứ bảy người Việt thì có một người mắc bệnh, phần lớn không được điều trị. Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ thông tin trên tại hội thảo Góp ý Đề án Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, hôm 10/8. Trong khi đó, trên thế giới, cứ tám người thì có một đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Khảo sát Sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia năm 2022 ghi nhận 21,7% thanh thiếu niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên thế giới, hơn 75% rối loạn sức khỏe tâm thần khởi phát ở tuổi 24.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bị ảnh hưởng, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên đại dịch.
Những con số đáng lo và báo động này cần được suy ngẫm để có một chương trình mang tính quốc gia, hướng đến những người trẻ, trang bị cho họ kỹ năng "vượt sóng gió".
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc phải đối mặt với khó khăn, bất trắc, đổ vỡ, mất mát. Không chấp nhận được mất mát, khổ đau chính là nguyên nhân khiến con người trở nên đau đớn hơn, khiến nỗi đau kéo dài lâu hơn.
Nhưng có quá ít nơi trang bị cho con người về những khả năng mà họ có thể gặp điều bất như ý trong cuộc sống. Một phần vì đa số chúng ta ngại nói về mất mát. Hầu hết chỉ muốn nói về hạnh phúc, may mắn, những điều như ý. Nếu mỗi người được rèn luyện kỹ năng nhận diện những sự thật bất như ý trong cuộc sống, rằng không có gì tồn tại mãi mãi, vô thường là điều tất yếu, thì có lẽ đã khác. Bước tiếp theo, sau nhận diện chính là học cách sống tốt nhất trong mọi hoàn cảnh, đó cũng là cách thương mình, thương người thân.
Thương mình cho sâu sắc, làm cho mình hạnh phúc, bình yên chính là thương người, là món quà quý nhất mà ta dành tặng cho người thân. Lần đầu tiên nghe điều này tôi chưa hiểu nhiều. Cho đến khi trải qua những sự cố, những lần phải rời bỏ người thân thương tôi mới ngộ ra: nếu mình chìm vào nỗi đau, trầm cảm hay chọn dừng cuộc sống của mình thì người thân chắc cũng đau lòng lắm.
"Tự cứu mình" hay "thương lấy chính mình" là những từ khóa để mỗi người dừng lại, suy nghĩ thấu đáo về nỗi khổ niềm đau mình đang trải: nó đến từ nguyên nhân nào? Và dù đến từ đâu thì vấn đề nào cũng luôn có cách giải quyết, dù nhanh hay chậm.
WHO ước tính 71% người bị rối loạn tâm thần toàn thế giới không nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các quốc gia chi trung bình chỉ hơn 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần. Việt Nam cũng cần chính sách phòng, ngừa, giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, nhất là người trẻ.
Nhưng trên hết vẫn là trang bị kỹ năng cho mỗi người bước qua nỗi khổ niềm đau của mình chứ không phải dựa dẫm vào người khác. Có lối sống cân bằng, chăm sóc sức khỏe tinh thần nhiều hơn, đừng đợi đến lúc chông chênh mới loay hoay tìm giải pháp có lẽ là điều cần được thực hành mỗi ngày.
Lưu Đình Long