Đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, chia sẻ: “Với tôi, chú Lê Duy Hạnh là người thầy đáng kính. Chú dạy cho tôi và sau này là cho học trò của tôi, từ cách đọc và xử lý kịch bản ra sao để làm nổi bật các ý tứ chìm, nổi đến việc xây dựng các sản phẩm sân khấu sát với kịch bản, mang tính giáo dục cao. Tôi thấy mình hạnh phúc khi có một quá trình dài được gần gũi, được học hỏi những kinh nghiệm nghề quý báu từ chú. Tôi học được tính nghiêm túc, nghiêm khắc trong công việc nhưng bao dung, yêu thương anh em làm nghệ thuật. Sau này, khi chú đã rời xa sân khấu, tôi và chú vẫn hay liên hệ, khi bên chén trà, lúc qua điện thoại để trao đổi những câu chuyện làm nghề, làm người. Chú chính là điểm tựa trong nghề nghiệp của tôi”.
Lê Nguyên Đạt kể thêm: Dấu ấn kỷ niệm với chú trong tôi còn là thời điểm tôi xin phép chú dàn dựng tác phẩm Nhật thực. Tôi đã phải thay đổi liên tục đề cương bản dựng đạo diễn đến khi cho ra bản hoàn chỉnh nhất để thuyết phục chú đồng ý và hài lòng với cách làm mới vở diễn. Thời gian gần đây tôi cũng dựng 2 vở của chú là Vương đạo (Vua Thánh triều Lê) và Trời Nam cùng nhiều trích đoạn cho bạn trẻ, giúp nâng cao kỹ thuật biểu diễn của các em. Lo lắng cho công tác đào tạo sân khấu, thời gian trước, chú có in một tập kịch bản trao cho tôi, cho phép sử dụng để làm giáo trình giảng dạy cho sinh viên khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM. Mới đây, chú tặng tập những bài ca cổ do chú sáng tác… Tấm lòng của chú với nghề và với người rất ấm áp. Chú ra đi là một mất mát lớn của giới sân khấu!
Là thế hệ nghệ sĩ trẻ khi bắt đầu làm việc với soạn giả Lê Duy Hạnh, NSƯT Mỹ Uyên bộc bạch: Năm 1997, tôi đầu quân về Sân khấu kịch thể nghiệm 5B. Lúc này chú Lê Duy Hạnh là Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, vừa sáng tác kịch bản vừa làm công tác quản lý. Ở cương vị lãnh đạo sân khấu thành phố nhưng chú rất gần gũi với nghệ sĩ trẻ, luôn truyền cảm hứng nghề nghiệp, dành nhiều tình cảm giúp sức cho diễn viên trẻ định hướng con đường phát triển phù hợp.
Riêng với Sân khấu kịch thể nghiệm 5B, chú sát cánh dõi theo hoạt động sàn diễn, thường hỏi thăm tình hình, vở nào ăn khách, rồi dặn dò sắp xếp cho các diễn viên đều được tham gia để mọi người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những ngày tết, chú chạy xe máy lên sân khấu để lì xì mọi người, mong mỏi các bạn trẻ cố gắng làm việc hết mình, yêu nghề, để sân khấu có một năm mới hoạt động chất lượng hơn.
Lúc ấy, chú hay tìm cách để tổ chức các chuyến đi thực tế, về nguồn và động viên chúng tôi, các nghệ sĩ trẻ tham gia. Những chuyến đi đó mang đến cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều kiến thức lịch sử văn hóa và cả sự tươi mới cho tư duy sáng tạo nghề nghiệp. Về chuyên môn, tôi rất hạnh phúc khi vai diễn của mình trong 2 vở Đôi bờ và Biển - đều là kịch bản của chú, đoạt huy chương. Các huy chương này giúp tôi nhận được danh hiệu NSƯT. Chú cũng chính là người dìu dắt tôi vào Đảng, mong muốn tôi trau dồi bản thân để trưởng thành, phát huy sở trường nghệ thuật và trách nhiệm với nghề. Đến năm 2022, tôi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nghe tin, chú rất vui vì thấy tôi trưởng thành, học hỏi và làm được những điều chú truyền dạy.
Cách đây vài năm, khi tôi bắt tay thực hiện 2 vở kịch về Bác Hồ là vở Dấu xưa và Điều ước thiêng liêng, chú có gặp tôi và cho biết là rất vui khi thấy thế hệ nghệ sĩ trẻ chúng tôi đã trưởng thành, phát huy vai trò quản lý, tổ chức biểu diễn và quảng bá được những tác phẩm ý nghĩa, giá trị đến với đời sống xã hội hiện đại. Kỷ niệm với chú quá nhiều! Tôi sẽ nhớ mãi về chú với những chuyến đi, những buổi chuyện trò, truyền đạt chuyên môn quý giá của chú. Tôi mãi khắc ghi về hình ảnh chú Lê Duy Hạnh - một soạn giả bậc thầy, yêu sân khấu, đã đóng góp rất nhiều kịch bản lịch sử hay; một người quản lý rất khó tính nhưng cũng rất tình cảm, luôn quan tâm đời sống nghệ sĩ, diễn viên và có tầm nhìn với các nhân tố tiềm năng của sân khấu…
THÚY BÌNH ghi