Thứ bảy, 30 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - một "Người Thầy"

Chủ nhật, 17/09/2023 | 07:34
[G-News24/7] -

"Sao lại duyệt?"

Tôi gặp Tướng Nguyễn Chí Vịnh lần đầu tiên tại đám tang nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ngày 21/9/2006. Khi ấy, ông Vịnh mang hàm Trung tướng, giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng được 18 tháng.

Với đám tang tướng Ẩn, Tổng cục Tình báo Quốc phòng (quen thuộc hơn với tên gọi Tổng cục 2) giữ vai trò chủ đạo.

Tướng Ẩn mất lúc 11 giờ 20 phút sáng 20/9/2006. Trưa 21/9/2006, tôi rời Hà Nội sau khi đã đọc sơ sơ tài liệu về tướng Ẩn và gặp một số nhân chứng liên quan. Qua một vài đồng nghiệp từng viết bài về cụm tình báo H63, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của Tổng cục Tình báo Quốc phòng trong việc liên lạc, gặp gỡ cô Tám Thảo, chú Tư Cang...

Những cuộc gặp gỡ này và câu chuyện của các cô chú về người đồng chí Phạm Xuân Ẩn đã hé mở cho tôi một chút nào đó về công việc và tính cách của những người làm công việc đặc biệt. Họ, những chiến sĩ tình báo luôn quen với lặng lẽ, hi sinh và dấn thân.

Sáng 22/9, tôi có mặt ở nhà tang lễ và bắt đầu tác nghiệp tại hiện trường. Đám tang của một nhân vật đặc biệt nên có nhiều nhân vật đặc biệt tham dự.

Nguyễn Chí Vịnh - một "Người Thầy" - Ảnh 1.

Nhà báo Lương Bích Ngọc trong một lần gặp gỡ với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: NVCC

Phỏng vấn Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Thomas Vallely của chương trình Fulbright Việt Nam (nhờ luôn Vũ Thành Tự Anh dịch)… xong, tôi thấy có ánh mắt dõi theo từng bước tác nghiệp của mình rất chăm chú. Ngày hôm sau, tại nghĩa trang, khi đang hỏi chuyện chú Mười Hương (Trần Quốc Hương), tôi cũng thấy ánh mắt ấy dõi theo.

Một người quen sau này nói lại với tôi: "Ông Vịnh kể lại hôm đó cô nhà báo ấy tả xung hữu đột ghê lắm, dám gạt cả cận vệ ra để đưa máy ghi âm phỏng vấn chú Sáu Dân (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nhưng làm nhà báo thì đúng là phải thế…".

Có lẽ lúc đó chưa hiểu ý sao người ta cứ dõi theo từng bước đi tác nghiệp của mình thế, tôi tìm gặp người sĩ quan mấy hôm liền đi bên cạnh Tướng Vịnh hỏi thẳng: "Tướng Ẩn là một nhân vật đặc biệt. Bài viết của tôi lại có phỏng vấn cả Nguyên Thủ tướng, nhiều nhân vật tình báo và cả Tây nữa, bên Tổng cục cần đọc lại bài của tôi trước khi đăng không? Anh hỏi tướng Vịnh giùm tôi…".

Người sĩ quan đó cười cười nói: "Không phải vậy đâu chị!".

Nhưng anh ta cũng hỏi lại Tướng Vịnh và sau vài phút, tôi có ngay câu trả lời: "Làm gì có chuyện duyệt bài ở đây. Chúng tôi chờ đợi đọc bài của chị trên báo. Nhà báo và tòa soạn chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin trên mặt báo chứ. Anh Vịnh nói từng đọc nhiều bài của chị rồi và hi vọng đây là bài báo hay về Người bạn lớn (Phạm Xuân Ẩn) của nhiều người".

Bài báo đó, tôi đã lấy tiêu đề: "Chia tay người bạn lớn".

Sau này, khi có tham gia làm cố vấn cho một số dự án sách và phim của Media 21 và trò chuỵên với Tướng Vịnh, tôi mới hiểu rằng, ông quan tâm nhiều đến truyền thông như một phần công việc của mình.

Với nhà báo, bao giờ ông cũng dành cho họ một không gian… bình đẳng theo kiểu "Hôm nay chúng ta bàn bạc về chuyện này nhé! Tôi cứ nêu ý kiến của mình xong rồi bạn hỏi tiếp hoặc phản bác nhé!".

"Vâng, tôi là Vịnh đây, cô cứ nói đi"

Bẵng đi một thời gian, mấy năm sau đám tang Tướng Phạm Xuân Ẩn, hầu như tôi không có cơ hội liên hệ trực tiếp với Tướng Vịnh.

Tháng 3/2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng. Tháng 10/2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Luật.

Từ cuối năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng để thực hiện trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại.

Nguyễn Chí Vịnh - một "Người Thầy" - Ảnh 2.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với người đồng chí - đồng sự Cuba. Ảnh: NVCC

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng "3 không" (Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; Không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và Không dựa vào nước này để chống nước kia) của Việt Nam vào năm 2010.

Ông đã quyết liệt tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, trở thành biểu tượng của chính sách quốc phòng.

Tháng 5/2011, diễn ra sự kiện "cắt cáp tàu Bình Minh 2". Ngày 2/6/2011, tôi và một đồng nghiệp tới phỏng vấn Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Bài hoàn thành, Đại tướng đọc lại kỹ càng rồi, tưởng chừng có thể đăng ngay, bỗng dưng ông bảo: "Chuyển bài cho Vịnh (Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh) đọc lại đã nhé!". Tôi bảo: "Hình như anh Vịnh đang tham dự "Đối thoại Shangri - la 2011" ạ. Đại tướng bảo: "Cứ gọi điện cho Vịnh, chuyển cho nó đọc".

Tôi ngập ngừng gọi điện, không tin là Tướng Vịnh có thể nghe máy. Đầu dây bên kia giọng nói vang lên: "Tôi là Vịnh đây…". Tôi vừa xưng tên, trình bày lý do, tướng Vịnh nói rất nhanh: "Tôi biết cô mà. Ý chính của cụ Sáu Nam nói trong bài phỏng vấn là gì vậy?". Tôi nói: "Cụ nói "Biển Đông, nếu sợ thì mất nước. Cái gì của mình thì phải quyết giữ".

Ông nhắn cho tôi địa chỉ email và dặn gửi bài vào đó.

Nửa tiếng sau, đã có thư trả lời, Tướng Vịnh thêm vào bài 5 chữ. Nhìn mấy dòng của ông trả lời email, có cảm giác rất lạ, yên tâm hẳn như là có người đồng hành để thực hiện 1 bài báo nhạy cảm trong 1 thời điểm vô cùng căng thẳng không chỉ bên thềm Biển Đông mà cả không khí báo chí về chủ quyền lãnh thổ.

Tới nhà giở trang mạng ra thưa chuyện với Đại tướng Lê Đức Anh là bài đã đăng rồi, ông lại hỏi: "Vịnh nói gì không? Vịnh thêm mấy chữ nào chỉ tôi xem…".

Bài báo hôm đó được rất nhiều báo và trang mạng lấy lại.

Nguyễn Chí Vịnh - một "Người Thầy" - Ảnh 3.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với người học trò - TS Bùi Chí Trung tại Nhà lưu niệm cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thân phụ của Tướng Vịnh. Ảnh: NVCC

Một Người Thầy đúng nghĩa

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội rạng sáng ngày 14/9/2023, sau một thời gian lâm trọng bệnh.

Dẫu biết cuộc chia xa này là không thể tránh, nhưng chỉ nửa ngày sau khi ông ra đi, báo chí và mạng xã hội tràn đầy những lời chia sẻ bộc lộ niềm tiếc nuối khi phải chia tay vị tướng tài ba trong thời bình, vị tướng gắn liền với cụm từ mới mẻ trong chính trường và chiến trường 20 năm qua - "Ngoại giao quốc phòng".

Đối với những người viết đã từng gặp, biết, trò chuyện và làm việc cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông không chỉ là một nhân vật hấp dẫn mà còn là người bạn lớn, người bạn tâm giao, chỉ họ cách làm cho thông tin trở nên "không còn vùng cấm" để đưa ra với công chúng, miễn là điều đó có lợi cho cái chung và quốc gia, dân tộc. Và đôi khi, họ còn trở thành cộng sự của ông, theo 1 cách rất tự nhiên.

Một nhà báo nhiều lần phỏng vấn ông về chủ đề "ngoại giao quốc phòng" đã viết trên trang cá nhân rằng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người mà "Tất cả mọi vấn đề gai góc, nhạy cảm, đụng chạm… đều được Anh trả lời không né tránh".

Tôi muốn bổ sung thêm: Với cách trả lời vốn đã được suy nghĩ thấu đáo, chuẩn xác, ông có cách bạch hóa thông tin để những vấn đề "gai góc, nhạy cảm, đụng chạm…" đều có thể đăng tải được, đều được công chúng tiếp nhận một cách hứng thú.

Cho đến khi trở thành Thượng tướng, Thứ trưởng phụ trách Đối ngoại Quốc phòng, ông mới "chạm tay" vào truyền thông và "bắt tay" để họ đồng hành cùng mình như một "cánh quân".

Đó là cú bắt tay, là cuộc đồng hành lý thú, là khoảng thời gian ông bộc lộ khả năng gần như thiên bẩm của mình trong lĩnh vực truyền thông và thực sự trở thành "người thầy".


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - một "Người Thầy" - Ảnh 4.

Chân dung Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Tiến sĩ, nhà báo Bùi Chí Trung, cộng sự nhiều năm cùng ông trong những dự án làm sách và phim "kể chuyện lịch sử", thầy của nhiều nhà báo trẻ, đã tôn ông là Thầy. Anh tổng kết:

"Trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, Tướng Vịnh được nhiều người tôn ông là Thầy. Nhưng tôi nghĩ rằng mình là người gần ông nhiều nhất, cả về thời gian, cả về quan điểm sống.

Cá nhân tôi học được ông về phương pháp tư duy không nhiều người có. Nó giúp mình nhìn ra được những mối liên hệ, nhiều mặt khác nhau của một vấn đề, cái gì là logic và phi logic, tìm được ra cách giải quyết vấn đề; có thể vận dụng cách tư duy đó trong nhiều trường hợp và lĩnh vực.

Ông cho mình cái cảm giác biết mình khiêm cung, biết mình chưa là ai cả, có 1 thành công thì quên ngay đi để làm lại cái mới và không bao giờ sợ khó khăn vì mình luôn tạo cho mình những áp lực mới, cách thức mới, cơ hội mới từ những khó khăn.

Ông thích người không kể lể khó khăn, cứ làm đi đã, làm đến đâu gỡ đến đó, nói chung là tự nguyện dấn thân. Nhờ gần ông và học ông, tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ sợ hãi nếu phải làm lại từ đầu và luôn có khả năng bắt đầu lại từ đầu dù năm nay đã cận kề 50 tuổi.

Điều mà ông hiểu rất rõ là tư tưởng vì dân, tư tưởng mà ông thừa kế lại từ cha mình. Đứng trên quan điểm của dân, vì lợi ích của người dân, của lẽ phải thì người ta sẽ không bị cô độc và vượt qua được những khó khăn vô cùng của công việc".

Sau khi nghỉ hưu, ngoài công việc chuyên môn sâu và viết sách, Tướng Vịnh còn là cố vấn, là người dẫn dắt vài nhóm truyền thông trẻ như của Bùi Chí Trung để làm các dự án kể chuyện lịch sử bằng hình ảnh.

Bạn bè và học trò Tướng Vịnh chia sẻ trên các trang cá nhân là có rất nhiều việc đang dang dở, nhiều việc ông định làm mà chưa xong.

"Người dám nói, dám làm, dám khẳng định, dám đứng lên, dám va vấp, dám đi tiếp, dám vượt qua chông gai, dám nuốt uất hận vào trong… Bản lĩnh của vị tướng trận và thời bình như vậy ở Việt Nam là hiếm có…" – đó là hình ảnh đọng lại sâu đậm nhất của Tướng Nguyễn Chí Vịnh trong những người học trò của ông.

Và cũng như thế, với đồng đội và thế hệ sau,ông không bao giờ mất!

g-news247