Tháng trước, Đan Mạch thông báo nước này sẽ chuyển giao 19 tiêm kích F-16 cho Ukraine trong hai năm 2024-2025 còn Hà Lan cam kết bàn giao 42 chiếc. Na Uy cũng xác nhận sẽ cung cấp tiêm kích song chưa cho biết số lượng.
F-16 do Mỹ sản xuất và mọi hoạt động chuyển giao đều cần được Washington bật đèn xanh. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ban đầu phản đối ý tưởng này, do lo ngại tiến trình chuyển giao kéo dài và tốn kém, cũng như khiến leo thang căng thẳng với Nga. Washington gần đây đổi ý khi các đồng minh phương Tây và Kiev tăng sức ép. Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh việc phi công nước này điều khiển tiêm kích do Mỹ sản xuất là "tín hiệu chắc chắn từ thế giới rằng chiến dịch của Nga sẽ thất bại".
Psscal Ausseur, tổng giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải (FMES) ở Pháp, nói rằng động thái này "mang tín hiệu chính trị" lớn.
"Đó là một bước nữa trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ quân sự của phương Tây. Nếu họ vẫn từ chối, điều đó sẽ tạo ấn tượng rằng sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu đang suy yếu", Ausseur nói. "Trên cả mặt trận ngoại giao và thực địa, điều này có tầm quan trọng to lớn".
Girish Linganna, nhà phân tích quốc phòng và hàng không vũ trụ Ấn Độ, đánh giá theo quan điểm của phương Tây, quyết định cung cấp F-16 là "bước ngoặt" của xung đột Nga - Ukraine vì Nga đang ngày càng tự tin hơn trong việc đánh bại các hệ thống phương Tây. "Một cam kết chắc chắn về việc cung cấp và duy trì phi đội F-16 cho Ukraine sẽ giúp khôi phục uy tín của phương Tây và bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường do sự chậm trễ trước đó gây ra", ông viết.
Ivan Klyszcz, nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế (ICDS) ở Estonia, nhấn mạnh việc F-16 được tặng thay vì mua có nghĩa là Ukraine không tiêu hao thêm ngân sách quốc phòng vốn căng thẳng.
Tổng thống Zelensky đã nhiệt liệt hoan nghênh động thái của Mỹ và đồng minh. "Khi sự đoàn kết trở nên mạnh mẽ hơn, ngay cả những điều tưởng như xa vời trước đây đều có thể đạt được", ông nói.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Giới quan sát nhấn mạnh khía cạnh chính trị vì cho rằng động thái chuyển F-16 không mang lại nhiều giá trị về mặt quân sự, ít nhất là trong ngắn hạn.
Washington vốn mô tả F-16 là công cụ quan trọng với quá trình biến đổi quân đội Ukraine thành lực lượng có khả năng răn đe Moskva trong tương lai chứ không có hiệu quả tức thì trong chiến sự. Họ tin rằng tiêm kích này sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quốc phòng dài hạn của Ukraine, nên không thể chuyển giao một cách vội vã.
Hồi cuối tháng 3, Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Mỹ lưu ý rằng máy bay chiến đấu "chưa đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột và khó có thể làm được điều đó nếu xét đến khả năng của Ukraine và Nga". "Cả hai bên đều sử dụng các hệ thống phòng không hiện đại, làm hạn chế hiệu quả chiến đấu của máy bay Nga và Ukraine", cơ quan này cho biết.
Keir Giles, chuyên gia về Nga kiêm nhà tư vấn cấp cao tại tổ chức Chatham House ở London, cho rằng việc chuyển giao F-16 đã "quá chậm trễ cho cuộc phản công năm nay".
Đại tá quân đội Mỹ về hưu Jack Jacobs cho biết Mỹ đã do dự trong thời gian dài, vì "chúng tôi lo ngại sẽ mất F-16 trên lãnh thổ do Nga kiểm soát".
Việc sử dụng F-16 trên chiến trường Ukraine có thể còn xa vời vì sẽ mất vài tháng để đào tạo các phi công lái loại tiêm kích hiện đại này. "Dù quân nhân Ukraine có biểu hiện xuất sắc trong huấn luyện và hoàn thành mục tiêu nhanh hơn dự kiến, nhiệm vụ này vẫn rất khó khăn", Klyszcz nói.
Ngoài ra, Ukraine cũng phải đối mặt với một số thách thức khác như vấn đề bảo trì hay mua phụ tùng thay thế.
Justin Bronk từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), tin rằng các nhà thầu dân sự nước ngoài sẽ phải đến Ukraine để giám sát và đào tạo tại chỗ cho những nhân viên bảo trì Ukraine. Điều này làm tăng nguy cơ các nhà thầu phương Tây thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga.
Tướng Mỹ James Hecker, người đứng đầu lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu, nhấn mạnh rằng cần phải kiên nhẫn, dù hiểu rằng Ukraine mong muốn nhanh chóng đưa tiêm kích vào trận chiến để củng cố cuộc phản công đang diễn ra chậm chạp. "Phải mất thời gian để xây dựng vài phi đội F-16 có đủ trình độ và sẵn sàng chiến đấu. Quá trình này có thể mất tới 4-5 năm", Hecker nói.
Song với viễn cảnh xung đột Ukraine còn kéo dài, F-16 được cho vẫn sẽ có cơ hội để thể hiện tính hiệu quả.
Alexandre Vautravers, nhà phân tích kiêm tổng biên tập Swiss Military Review, nói rằng F-16 "không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi, song cho phép Ukraine củng cố năng lực".
Được trang bị hệ thống hiện đại của phương Tây, F-16 không chỉ bổ sung cho kho vũ khí "cạn kiệt nghiêm trọng" của lực lượng không quân Ukraine, mà còn có thể giúp Kiev "thu hẹp khoảng cách với những máy bay tiên tiến hơn của Nga", theo Gareth Jennings của công ty tình báo tư nhân Anh Jane's.
"Làm cho Ukraine trở nên mạnh mẽ hơn, gồm cả việc đảm bảo nước này có đủ sức mạnh không quân, là yếu tố then chốt cho an ninh lâu dài cũng như kết quả của cuộc chiến hiện tại", Giles nói.
Thanh Tâm (Theo AFP, NBC News, Al Jazeera)