Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Tiềm năng ngành dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo của TPHCM

Thứ bảy, 16/09/2023 | 21:58
[G-News24/7] -

(KTSG) – Với vai trò và lực lượng lao động hùng hậu, ngành dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo toàn cầu của TPHCM còn nhiều tiềm năng nâng cao năng suất, tăng hàm lượng kinh tế số và đẩy mạnh kết nối ngành…

  • Văn hóa nghệ thuật sẽ là ngành dịch vụ đóng góp cho tăng trưởng của thành phố
  • Ngành dịch vụ của Trung Quốc suy sụp vì lệnh phong tỏa
Ngành chế biến, chế tạo – ngành từng đóng vai trò quan trọng trong những giai đoạn trước – đóng góp 15,91% trong cơ cấu GRDP của TPHCM. Ảnh: HÙNG LÊ

Vai trò lớn của ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo

Trong 10 năm qua, dịch vụ luôn là ngành có tỷ trọng cao, chiếm hơn 60% trong cơ cấu GRDP của TPHCM. Ngành dịch vụ tại TPHCM có thể chia làm bốn nhóm với những đặc điểm về thâm dụng kỹ năng và đổi mới sáng tạo khác nhau (xem bảng 1).

Theo thống kê, TPHCM có chín ngành dịch vụ trọng yếu, chiếm hơn 60% trong cơ cấu GRDP năm 2021. Trong đó, ba ngành dịch vụ có tính chất đổi mới sáng tạo chiếm gần 21% GRDP của TPHCM theo tính toán của tác giả từ Niên giám Thống kê TPHCM. Trong khi đó, ngành chế biến, chế tạo – ngành từng đóng vai trò quan trọng trong những giai đoạn trước – đóng góp 15,91% trong cơ cấu GRDP.

Có khoảng 20% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của TPHCM tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu (hình 1). Tỷ lệ này cao hơn so với mức bình quân 6,4% của cả nước, thậm chí còn cao hơn cả các quốc gia có thu nhập cao như Nhật Bản (14,9%). Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho TPHCM trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Dịch vụ cũng là khu vực thu hút được số lượng đáng kể lao động dịch chuyển ra khỏi ngành chế biến, chế tạo trong quá trình chuyển đổi cơ cấu diễn ra ở TPHCM. Nếu như tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp của ba ngành dịch vụ trọng yếu có tính chất đổi mới sáng tạo tương đối ổn định trong giai đoạn 2015-2020 thì tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp của sáu ngành dịch vụ trọng yếu còn lại tăng từ 32,7% trong năm 2015 lên 39% trong năm 2020.

Tiềm năng cải thiện nhìn từ các chỉ số

Quá trình lao động dịch chuyển từ ngành chế biến, chế tạo chuyển sang làm việc trong các ngành dịch vụ đã và đang làm tăng tổng năng suất. Năng suất lao động trong doanh nghiệp (được đo bằng doanh thu trên mỗi lao động) đã dần được nâng lên trong các ngành chế biến, chế tạo và một số ngành dịch vụ trọng yếu (hình 2).

Tuy nhiên, năng suất vẫn tăng chưa đồng đều giữa các ngành. Trong ba ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu, ngành tài chính – ngân hàng và bảo hiểm có năng suất lao động cao nhất, tiếp theo là các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp và công nghệ, thông tin và truyền thông (CNTT&TT). Trong đó, các dịch vụ cho doanh nghiệp (CNTT&TT, các dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp) có số việc làm tăng.

Đặc trưng của quá trình phát triển này là năng suất lao động và việc làm trong khu vực dịch vụ này đều đã tăng lên trong những năm gần đây. Ngược lại, ngành tài chính – ngân hàng và bảo hiểm có đặc trưng là số việc làm ban đầu giảm nhưng năng suất tăng lên.

Thành công của ngành chế biến, chế tạo trong tạo việc làm tại Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng có được là nhờ: (1) đảm bảo tính kinh tế theo quy mô; (2) áp dụng công nghệ đem lại hiệu suất cao hơn; (3) tính lan tỏa, kết nối với nhà cung cấp và khách hàng. Những yếu tố này vẫn còn hạn chế ở các ngành, lĩnh vực dịch vụ trọng yếu tại TPHCM. Các doanh nghiệp dịch vụ trọng yếu hoạt động ở quy mô nhỏ hơn so với ngành chế biến, chế tạo, ngoại trừ ngành tài chính – ngân hàng và bảo hiểm.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp dịch vụ trọng yếu nói chung và dịch vụ đổi mới sáng tạo nói riêng của TPHCM chưa khai thác được đầy đủ hiệu quả kinh tế do quy mô. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đều có năng suất lao động thấp hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu cần nâng cao năng suất ở các doanh nghiệp dịch vụ trọng yếu nhỏ của TPHCM.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp dịch vụ trọng yếu và chế biến, chế tạo, ngành tài chính – ngân hàng và bảo hiểm chiếm tỷ lệ cao nhất (67%), tiếp theo là ngành điện tử (61,7%) và thông tin và truyền thông (59,3%). Ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo thứ 3 là dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin ở mức trung bình với tỷ lệ 52%.

Đối với kết nối của ngành dịch vụ, theo Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng dịch vụ làm đầu vào cho ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam chỉ chiếm 14%. Tỷ lệ này còn thấp hơn nếu xem xét hiện trạng sử dụng các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu (CNTT&TT, dịch vụ hành nghề chuyên nghiệp và các dịch vụ tài chính) trong chế biến, chế tạo. Các dịch vụ này chỉ chiếm có 1,6% giá trị đầu vào trong nước.

Cần chính sách thúc đẩy từ thành phố

Như vậy, theo tính toán của nhóm tác giả, khoảng 20% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của TPHCM tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây là một thuận lợi cho thành phố trong việc phát triển kinh tế số thông qua việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này.

Về phương diện đào tạo, TPHCM cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đặt hàng các cơ sở đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên liên quan tới kinh tế số. Ngoài ra, khoảng 18% tổng việc làm trong các doanh nghiệp ngành dịch vụ trọng yếu có thể tham gia thương mại, do vậy trọng tâm đào tạo cần đổi mới theo phương hướng tăng cường kỹ năng của người lao động (đặc biệt là các kỹ năng số) và năng lực của doanh nghiệp cũng như cán bộ quản lý. TPHCM cần trả lời câu hỏi về chính sách thúc đẩy đào tạo, đơn vị và nguồn lực thực hiện cũng như giải pháp để khuyến khích sự hợp tác giữa bên đào tạo và đơn vị sử dụng lao động.

Về phương diện công nghệ, kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dịch vụ trọng yếu tại TPHCM có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh đều trên mức 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vẫn còn thấp. Do vậy, thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

g-news247