Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Tiễn biệt soạn giả Lê Duy Hạnh: Người hết lòng với sân khấu Việt Nam

Chủ nhật, 10/09/2023 | 04:12
[G-News24/7] -

1. Sinh ra ở đất võ Bình Định nhưng dấn thân theo nghiệp sân khấu, nhất là sân khấu cải lương Nam bộ, soạn giả Lê Duy Hạnh sống giản dị, chân chất và nghĩ sao nói vậy. Những ai mới gặp ông lần đầu dễ nghĩ rằng ông khó tính, khó gần, nhưng có dịp tiếp xúc nhiều lần sẽ thấu hiểu ông là một con người rất đáng trân quý.

Khi bắt tay vào việc, ông luôn hết mình, vô cùng nghiêm túc với nghề, ông quan niệm “làm ra làm, chơi ra chơi”. Trong suốt quá trình làm nghề, ông luôn trăn trở với sự nghiệp sân khấu. Ông không chỉ giỏi sáng tác kịch bản cho sân khấu kịch, cải lương mà còn rất bền bỉ “bày” ra nhiều “trò” hay để góp phần chấn hưng sân khấu. Trong đó, có thể kể đến việc duy trì tổ chức thành công Giải thưởng Trần Hữu Trang (từ năm 1991-2012), góp phần tạo nên tên tuổi cho nhiều tài năng trẻ của sân khấu cải lương.

Còn nhớ, có một thời gian, do khó khăn nguồn kinh phí, giải thưởng này không thể tiếp tục tổ chức, ông không ngần ngại ngược xuôi miền Tây sông nước, gặp các “bạn hiền” yêu mến cải lương để trao đổi, tìm nguồn kinh phí để tái khởi động giải thưởng. Và rồi tấm chân tình của ông với sân khấu cũng được đền đáp khi có nhiều đối tác tham gia, sẵn sàng cùng ông và Hội Sân khấu TPHCM đưa Giải thưởng Trần Hữu Trang về khuấy động miền Tây với nhiều đêm thi tài sôi nổi. Đó là vào năm 2012, từ Giải thưởng Trần Hữu Trang, các gương mặt trẻ của sân khấu cải lương như: Ngọc Đợi, Ngọc Quyền, Đào Vũ Thanh… có dịp thể hiện tài năng ca diễn và khẳng định tên tuổi.

2. Khi nhắc đến soạn giả Lê Duy Hạnh, ngoài tài sáng tác với hàng chục kịch bản được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu sàn diễn, thì nhiều anh chị em báo chí còn quý ông ở sự kết nối, lắng nghe với tinh thần “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Ông cho rằng, mỗi khi một vở diễn ra mắt thì vai trò của báo chí rất quan trọng. Qua góc nhìn của báo chí, của những cây bút phê bình văn học nghệ thuật sẽ góp phần làm cho vở diễn hoàn thiện hơn. Qua các bài báo hay, với tinh thần xây dựng, khen - chê rạch ròi, công minh, người làm sân khấu cũng đúc rút được những kinh nghiệm cho riêng mình, thể hiện vai diễn của mình càng tốt hơn.

Ông từng chia sẻ rằng, với những nhà báo viết về văn hóa nghệ thuật, nhất là lĩnh vực sân khấu, cũng phải có sự đồng hành với nghệ sĩ từ sàn tập đến sàn diễn để hiểu rõ hơn quá trình lao động nghệ thuật vất vả của họ. Từ đó, sẽ có cái nhìn sẻ chia, khích lệ, động viên hơn và có những đánh giá chính xác nhất, tránh sự “phán xét” chưa đúng, tội nghiệp anh em nghệ sĩ!

3. Ở soạn giả Lê Duy Hạnh, khi còn gắn bó với sân khấu, nhất là cải lương truyền thống, còn ngược xuôi miền Tây, miền Đông trao đổi với các đoàn hát, ông luôn đau đáu về công tác chọn lựa đội ngũ kế tục và đào tạo trẻ. Theo ông, nếu người đứng đầu đơn vị nghệ thuật có sự quan tâm đến công tác này thì tương lai luôn có các tài năng trẻ xuất hiện. Cùng với đó là việc chọn lựa cho được những thầy tuồng viết kịch bản hay, sâu sắc theo dạng “đo ni, đóng giày” cho từng nghệ sĩ trẻ; đồng thời, cũng phải chú trọng đến đội ngũ thầy đờn - những người góp phần không nhỏ cho các giọng ca ca hay hơn, diễn giỏi hơn.

Soạn giả Lê Duy Hạnh cũng đã từng nhắn gửi đến nghệ sĩ trẻ sân khấu nói chung và cải lương nói riêng về đạo đức làm nghề: người nghệ sĩ phải luôn biết tôn trọng thầy tuồng và thầy đờn, bởi hai người thầy này như hai đôi bờ vững chắc của một dòng sông để các nghệ sĩ tha hồ “tắm gội” - tỏa sáng lấp lánh trên dòng sông ấy.

Bấy nhiêu đây không thể nói lên hết được những tình cảm, sự cống hiến, cũng như những trăn trở của soạn giả Lê Duy Hạnh dành cho sân khấu suốt mấy chục năm ròng, chỉ xin như một nét tâm hương kính tiễn biệt ông - một tài hoa của nghệ thuật sân khấu Việt Nam!

ĐỖ HẠNH
g-news247