Thứ sáu, 29 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Tiễn biệt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Người có cốt cách kiên định, cách xử trí thông minh, bản lĩnh

Thứ ba, 19/09/2023 | 14:54
[G-News24/7] -Tin liên quan

Lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được tổ chức theo nghi thức cấp cao

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần

Quyết định bất ngờ

Dù ở Bắc Kinh hay Tokyo, Seoul hay Washington, tôi đã nhiều lần chứng kiến cung cách ứng xử vô cùng thông minh và bản lĩnh của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trước những vấn đề hóc búa bất ngờ nảy sinh; vừa đảm bảo lợi ích của quân đội, nhân dân và Nhà nước Việt Nam, vừa thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác, góp phần vào xây dựng “lòng tin chiến lược”; một khái niệm địa chính trị mà chính Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người thiết kế và được lãnh đạo Việt Nam chính thức công bố ở Đối thoại Shangri-La năm 2013 tại Singapore. Một kỷ niệm tôi không thể nào quên nói lên cốt cách kiên định, cách xử trí thông minh, bản lĩnh của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một cuộc họp báo “vô tiền khoáng hậu” diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 6-2013.

Năm đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ tư tại Bắc Kinh. Trưởng đoàn phía Trung Quốc là Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Cuộc đối thoại diễn ra suôn sẻ và chúng tôi, các thành viên trong đoàn hết sức vui mừng khi ngày cuối cùng của cuộc đối thoại trôi qua mà không có bất cứ một khúc mắc nào giữa hai bên.

Tối hôm ấy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận được một cuộc điện thoại “từ nhà” gọi sang. Nghe xong, ông trầm ngâm hồi lâu rồi quay sang bảo tôi: “Cậu tổ chức một buổi họp báo vào ngày mai, mời tất cả các tờ báo nào của Trung Quốc quan tâm đến vấn đề đối thoại tới dự, đặc biệt là các tờ báo lớn! Tôi muốn đối thoại với họ”.

Tôi nghe mà phát hoảng. Theo như trí nhớ của tôi thì những cuộc họp báo tổ chức ở nước ngoài để đối thoại với báo chí nước sở tại chỉ diễn ra hồi hội nghị Paris cuối thập niên 1960, đàm phán để lập lại hòa bình ở Việt Nam. Để tổ chức những cuộc họp báo như thế cần phải có cả một bộ máy nhiều người cùng các mối quan hệ rộng rãi với báo chí sở tại. Đây tôi chỉ có một thân một mình, lại phải thực hiện trong một thời gian hết sức eo hẹp.

Nhưng điều tôi lo lắng hơn cả không phải công tác tổ chức mà là nội dung cuộc đối thoại giữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với đại diện các tờ báo Trung Quốc. Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự với báo chí chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Nhiều chính khách quốc tế đã “ngã ngựa” chỉ vì sẩy miệng trong một cuộc họp báo hay đối thoại nào đấy. Các cuộc họp báo với sự có mặt của các nhà báo chuyên nghiệp như thế luôn được chuẩn bị rất kỹ càng, có cả một đội ngũ cố vấn, trợ lý giúp đỡ cho nhà chính khách để có thể trả lời được hết các câu hỏi hóc búa luôn xuất hiện. Đằng này, chỉ có một mình Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và thời gian chuẩn bị cho cuộc họp báo cũng chỉ có vài giờ đồng hồ…

Sau khi vận dụng tối đa các mối quan hệ cùng với sự giúp đỡ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, cuối cùng thì tôi cũng đã mời được đại diện các tờ báo lớn nhất có văn phòng ở Bắc Kinh khi ấy cam kết tham dự cuộc họp báo diễn ra vào sáng ngày hôm sau. Bước vào cuộc họp báo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chỉ định tôi đứng dẫn chương trình họp báo. Và trong suốt hơn hai giờ đồng hồ sau đó, tại phòng họp lớn của khách sạn Côn Thái Gia Hoa ở Bắc Kinh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời toàn bộ các câu hỏi của các nhà báo Trung Quốc, không từ chối bất cứ một câu hỏi nào!

Cuộc đối thoại

Sổ tay của tôi vẫn còn ghi lại những nội dung chính yếu cuộc đối thoại chân tình, thẳng thắn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với các nhà báo Trung Quốc hôm ấy. Dưới đây là một phần nội dung cuộc đối thoại đó.

r1a-7978.jpg

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng quà lưu niệm cho Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tại Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc 2013 ở Bắc Kinh. Ảnh: YÊN BA

Phóng viên Thời báo Hoàn cầu: Có ý kiến cho rằng “Việt Nam đang có ý định liên minh với nước ngoài để chống Trung Quốc”, Thượng tướng đánh giá thế nào về quan điểm trên?

* Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH: Cả bằng hành động cụ thể cũng như trên những nguyên tắc chiến lược cơ bản của Việt Nam, không hề có chuyện Việt Nam liên minh với nước thứ ba để chống Trung Quốc. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam theo nguyên tắc độc lập tự chủ, dựa trên sức mạnh của mình là chính, tuyệt đối không liên minh với nước này để chống nước kia. Những ai có tầm nhìn chiến lược cũng như sự tỉnh táo về mặt chính trị đều hiểu rằng một nước nhỏ mà liên minh với một nước này để chống một nước khác là tự hại mình. Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam quan hệ với rất nhiều nước trên thế giới và thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam đã thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, là đối tác tin cậy, là bạn với tất cả các nước; các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam không gây phương hại đối với bất cứ một quốc gia nào.

Phóng viên Tạp chí Dân chủ và Pháp chế Trung Quốc: Hai nước có lịch sử rất tốt đẹp, Thứ trưởng nhìn nhận ra sao về tình hình tranh chấp ở Biển Đông thời gian qua, cũng như áp dụng những điều luật quốc tế như thế nào để giải quyết tranh chấp phù hợp với lợi ích của hai bên?

* Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH: Lịch sử tốt đẹp là cơ sở để Việt Nam và Trung Quốc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, không chỉ dựa vào quá khứ mà hiện tại, mỗi người, mỗi ngành của hai bên cùng cố gắng, trong từng việc làm, trong mọi thời điểm thì mới có thể giải quyết được những khác biệt còn tồn tại.

Phóng viên Tân Hoa xã: Với việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo là loại tàu ngầm tấn công, trong khi Việt Nam nói rằng mình mua sắm vũ khí “chỉ vừa đủ để tự vệ”, phải chăng chính sách quốc phòng của Việt Nam đã thay đổi?

* Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH: Điều quan trọng là vũ khí nằm trong tay ai! Nó có thể giết người, nhưng cũng có thể để tự bảo vệ mình; thậm chí có những lúc, vũ khí đó là để bảo vệ hòa bình. Vấn đề là người cầm vũ khí đó là ai, đường lối của người đó như thế nào. Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã tuyên bố với thế giới trên Diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm 2012 rằng Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo về chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác.

Phóng viên Tuần báo Phương Nam: Thứ trưởng có thể nói rõ về những bất đồng cụ thể trong quan hệ quốc phòng hai nước cũng như những ưu tiên trong hợp tác quân sự của Việt Nam với Nga, Mỹ, Trung Quốc?

* Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH: Trong quan hệ hai nước có rất nhiều điểm đồng, còn bất đồng là tranh chấp trên Biển Đông, về chủ quyền, về cách ứng xử. Ngắn gọn là hai bên cần phải ứng xử hòa bình, giải quyết vấn đề chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982 và thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Việt Nam có quan hệ quốc phòng với Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước ASEAN, cùng với đó còn có các nước, các tổ chức khác như Ấn Độ, EU… Chúng tôi cũng không quên mối quan hệ rất thân thiết, tốt đẹp dù rất xa xôi là nước Cuba anh em. Trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu và chính đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cũng vậy.

***

Cuộc họp báo bất ngờ nhưng hết sức thành công là nhờ vào bản lĩnh của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Mặc dù chỉ được chuẩn bị trong một thời gian rất ngắn, nhưng những gì mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói tại cuộc đối thoại đã được các nhà báo Trung Quốc truyền đạt tới độc giả, giải tỏa những khúc mắc, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vì hòa bình và phát triển phồn vinh.

Lễ viếng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được tổ chức từ 7 giờ đến 12 giờ 30 phút hôm nay 18-9; Lễ truy điệu hồi 12 giờ 30 phút, Lễ đưa tang hồi 13 giờ 5 phút, Lễ an táng hồi 17 giờ 15 phút cùng ngày tại Công viên Thiên Đức (xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

YÊN BA
g-news247