Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Tìm giải pháp bảo tồn đàn voọc quý hiếm ở Quảng Nam

Thứ sáu, 08/09/2023 | 21:52
[G-News24/7] -

Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) ghi nhận đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành gần 70 con, thuộc 8 gia đình. Chúng có tên khoa học Pygathrix cinerea, là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn, trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Chà vá chân xám sống hoàn toàn trên cây, ở độ cao từ 300 m trở lên so với mực nước biển, chủ yếu ăn lá cây, hoa, quả, hạt. Hiện cả nước có khoảng 1.500-2.000 con thuộc danh sách cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.

Tìm giải pháp bảo tồn đàn voọc quý hiếm ở Quảng Nam

Đàn voọc quý hiếm ở xã Tam Mỹ Tây. Video: Đắc Thành

Người dân địa phương cho biết trước đây rừng tự nhiên ở xã Tam Mỹ Tây bạt ngàn nên voọc chà vá chân xám sinh sống theo đàn hàng trăm con. Sau đó đất rừng bị thu hẹp, thay thế bằng rừng trồng gỗ keo. Sinh cảnh hạn chế, hiện voọc sinh sống ở bốn ngọn núi đá vôi là Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu, trên tổng diện tích khoảng 30 ha.

Rừng tự nhiên giữa các núi này đang bị chia cắt 1-3 km bởi rừng trồng cây gỗ keo tràm nên voọc bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác. Các ngọn núi nơi voọc sinh sống hàng năm bị người dân khai thác gỗ keo rồi châm lửa đốt thực bì khiến vùng giáp ranh cháy, sinh cảnh và nguồn thức ăn thu hẹp dần. Những tác động này và nạn săn bắt khiến voọc có nguy cơ chết dần.

anh-1-6098-1693998074.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_GgXuxx2KNHP75-N9aMBtA

Một gia đình voọc ở núi Hòn Dồ. Ảnh: Bùi Văn Tuấn

Sau thời gian dài bị "lãng quên", năm 2017 UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức bảo tồn có những đợt khảo sát. Xác định đàn voọc cần được bảo vệ, tỉnh đưa ra phương án mua đất rừng sản xuất để trồng rừng, mở rộng không gian sống cho chúng.

Nhà chức trách tính toán ngoài 30 ha rừng tự nhiên sẵn có cần mua thêm 30 ha rừng sản xuất để xác lập rừng đặc dụng 60 ha giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 mở rộng lên 90 ha. Diện tích này sẽ được phục hồi rừng tái sinh tự nhiên, trồng cây tạo môi trường sống cho voọc. Phương án được tỉnh Quảng Nam giao huyện Núi Thành bố trí kinh phí từ ngân sách để đền bù, thu hồi đất.

Tuy nhiên, đến nay môi trường sống của đàn voọc vẫn chưa được mở rộng. Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch huyện Núi Thành, giải thích đất rừng đã giao cho người dân, để thu hồi phải đền bù thông qua dự án. "Qua tìm hiểu một ha thu hồi phải đền bù hơn 300 triệu đồng, 30 ha cần số tiền rất lớn, vượt quá khả năng của huyện", ông nói và cho biết đã đề xuất tỉnh cân đối, bố trí ngân sách.

BVT-3814-6755-1693998074.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=c4hLCJ0GnAFxDk6FuyRzfA

Một con voọc chà vá chân xám đang lấy lá non để ở núi Hòn Dồ. Ảnh: Bùi Văn Tuấn

Trong bối cảnh khó bố trí ngân sách, Phó chủ tịch tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết tỉnh đã giao cho sở ngành, huyện, xã rà soát, xác định số hộ dân, diện tích đất của từng hộ tại khu vực đề xuất mở rộng. "Chính quyền xã Tam Mỹ Tây phối hợp GreenViet xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân ủng hộ, hiến đất theo tinh thần tự nguyện", ông Bửu nói.

Phương án đưa ra là kêu gọi doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ hộ dân để đồng thuận giao lại đất cho nhà nước quản lý, sớm hình thành rừng đặc dụng và khu bảo tồn loài chà vá chân xám. Ngoài ra, Quảng Nam cũng kêu gọi các cơ quan của Chính phủ, tổ chức, cá nhân và nhà tài trợ quốc tế hợp tác bảo tồn voọc.

Trong khi chờ giải pháp lâu dài, bền vững là mở rộng diện tích sinh sống cho voọc, trước mắt lực lượng chức năng của huyện, xã tăng cường tuần tra, ngăn chặn các mối đe dọa với voọc. Xã duy trì của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, ký cam kết với cộng đồng không săn, bẫy thú.

Đắc Thành

g-news247