Ukraine những tuần gần đây tăng cường tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập hồi năm 2014.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không trực chiến ở Crimea rạng sáng 14/9 đã khai hỏa đánh chặn 11 UAV của Ukraine tấn công mục tiêu trên bán đảo. Giới chức Nga sau đó thêm rằng 5 xuồng tự sát không người lái Ukraine cũng bị phá hủy khi đang tìm cách tiếp cận và tấn công tàu tuần tra Sergey Kotov thuộc Hạm đội Biển Đen ở Crimea.
Hôm 13/9, Ukraine tập kích nhà máy đóng tàu tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Kiev đã sử dụng 10 tên lửa hành trình và 3 xuồng tự sát không người lái, làm hư hại hai tàu chiến.
Andriy Yusov, phát ngôn viên Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), lại nói rằng chiến hạm Nga bị hư hại gồm một tàu ngầm tấn công và một tàu đổ bộ cỡ lớn và chúng "không còn khả năng sửa chữa".
Một quan chức an ninh Ukraine giấu tên sau đó thông báo nước này cũng đã thực hiện đòn tập kích hiệp đồng nhằm vào trận địa tên lửa phòng không S-400 của Nga gần thành phố Yevpatoriya ở phía tây bán đảo Crimea rạng sáng 14/9. Cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa diệt hạm Neptune đã khiến tổ hợp phòng không hiện đại này bị phá hủy.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Moskva nói rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga, song Kiev và các nước phương Tây xem động thái này là bất hợp pháp.
Các lãnh đạo Ukraine từ lâu tuyên bố họ vẫn đặt mục tiêu giành lại tất cả các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát, trong đó có cả Crimea. Ukraine nhiều lần khẳng định những cuộc tấn công vào Crimea, nhắm tới các căn cứ và tàu hải quân Nga, là một phần không thể thiếu trong chiến lược phản công của họ. Kiev muốn cô lập bán đảo và khiến Nga gặp khó khăn trong việc hỗ trợ các hoạt động quân sự trên đất liền Ukraine.
Động thái chuyển trọng tâm tấn công sang Crimea diễn ra sau khi Nga từ bỏ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7, thỏa thuận vốn được thiết lập để giúp Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển. Hạm đội Biển Đen của Nga từ đó tiếp tục phong tỏa các cảng Ukraine, ngăn chặn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Kiev.
Hạm đội này cũng được sử dụng để khai hỏa tên lửa hành trình tập kích lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là trong các cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ vào các kho ngũ cốc và cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine ở Odessa.
Khi tăng cường tập kích nhằm vào tàu chiến Nga ở Biển Đen và các căn cứ tại Sevastopol, Ukraine dường như đang tìm cách hạn chế năng lực hoạt động của hải quân Nga, giới quan sát đánh giá.
Hạm đội Biển Đen của Nga phụ thuộc rất nhiều vào căn cứ hải quân chiến lược và xưởng đóng tàu trên bán đảo Crimea. Các chuyên gia cho rằng cuộc tập kích xưởng đóng tàu sẽ giáng một đòn nặng nề vào hoạt động hậu cần hàng hải, hiệu suất và khả năng sống sót của chiến hạm Nga ở Biển Đen.
"Vụ tập kích là một thành công lớn đối với Ukraine", Michael Petersen, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận xét. "Nó giáng một đòn nữa vào hoạt động hậu cần trên biển của Nga".
Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận một tàu ngầm và một tàu đổ bộ cỡ lớn đã bị hư hại do trúng tên lửa khi đang sửa chữa trong ụ nổi. Ảnh vệ tinh được Black Sky công bố cho thấy hai tàu này bị cháy sém và thủng lỗ lớn, dường như bị tên lửa đánh trúng vào giữa thân.
Bất kỳ thiệt hại nào đối với các cơ sở sửa chữa chính của Hạm đội Biển Đen đều "có thể tạo ra những tác động lâu dài nếu Ukraine tiếp tục duy trì tấn công khí tài hải quân Nga ở Crimea", các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), tổ chức tư vấn trụ sở ở Washington, cho hay.
Sevastopol là căn cứ lâu đời của Hạm đội Biển Đen. Nhà máy đóng tàu tại đây tập trung phần lớn cơ sở hạ tầng hậu cần và sửa chữa cho tàu chiến, khiến nó trở thành một phần không thể thiếu giúp Nga duy trì hoạt động hạm đội.
Ngoài Sevastopol, Hạm đội Biển Đen không có nhiều lựa chọn thay thế khi sửa chữa và nâng cấp tàu chiến. Theo Petersen, chuyên gia về chiến lược và hoạt động hải quân Nga, Moskva có thể sử dụng các ụ nổi ở thành phố cảng Novorossiysk, nơi trước đây cũng từng là mục tiêu tấn công của Kiev. Tuy nhiên, cơ sở này có thể đang bị quá tải, nên bất cứ tổn thất nào ở Sevastopol chắc chắn sẽ đặt ra thách thức lớn đối với Nga.
Cuộc tấn công vào Sevastopol "có khả năng là một đòn chiến lược lớn", ông nói. "Nga không có đủ ụ nổi để phục vụ và sửa chữa đội tàu hải quân cũng như dân sự của mình. Nếu các ụ tàu bị hư hỏng nặng, lịch trình bảo dưỡng, sửa chữa sẽ bị trì hoãn".
Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, lưu ý rằng các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa là mục tiêu có giá trị cao, bởi khi chúng bị phá hủy, đối phương khó có thể giữ đội tàu "hoạt động với hiệu quả cao nhất" trong thời gian dài.
Mặt khác, liên tục tấn công Crimea, Ukraine có lẽ muốn gây áp lực lên Nga với hy vọng rằng cuối cùng, Moskva sẽ nhận ra bán đảo này là nơi mà họ "không thể giữ", Hodges cho hay. Chúng cũng góp phần thúc đẩy chiến dịch phản công mà Kiev đang triển khai.
"Ở cấp chiến thuật, Ukraine chủ yếu hướng đến gây tổn thất cho hoạt động của Hạm đội Biển Đen, khiến các tàu chiến của họ không thể tự do hoạt động", Petersen nói. "Ở cấp độ chiến lược, mục tiêu của Kiev là đẩy lực lượng Nga khỏi Crimea".
Chuyên gia này cho rằng hai mục tiêu trên của Ukraine liên quan mật thiết với nhau. Nếu Hạm đội Biển Đen hứng chịu tổn thất ngày càng lớn từ các cuộc tập kích, Nga có thể phải đi đến quyết định từ bỏ căn cứ ở Sevastopol, tương tự những gì đã diễn ra tại thành phố Kherson hồi năm ngoái.
Cũng vào mùa thu năm 2022, Nga đã phải chuyển một số tàu từ Sevastopol đến Novorossiysk sau cuộc tập kích bằng UAV của hải quân Ukraine. "Giờ đây, các cuộc tấn công mới tiếp tục đe dọa những chiến hạm đang được bảo trì và các cơ sở quan trọng của Moskva ở Sevastopol", Petersen cho hay.
Dù vậy, chuyên gia này lưu ý các mục tiêu trên "khó có khả năng thành hiện thực nếu Ukraine không đạt được những thành công lớn trên chiến trường chính", nơi chiến dịch phản công của Ukraine tiến triển chậm chạp sau hơn hai tháng phát động.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Business Insider)