Tôi đồng tình với quan điểm của các giả bài viết "Du lịch bền vững từ việc ngừng tăng giá dịp lễ, Tết". Cứ cho là các bạn nói "ngày lễ, ngày Tết lương đi làm tăng gấp hai, gấp ba thì hàng quán tăng là chuyện bình thường" đi, thế khách nước ngoài sang Việt Nam du lịch thì liên quan gì tới ngày lễ của chúng ta mà họ phải trả giá cao? Rồi họ có biết đây là ngày lễ nên tăng giá không, hay họ sẽ lên mạng kêu um lên là du lịch tại Việt Nam "chặt chém", đắt đỏ lắm? Hay chúng ta bắt họ chỉ được đi du lịch vào ngày thường?
Nhà tôi cũng kinh doanh, bán hàng suốt hơn 50 năm rồi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi tăng giá một đồng vào các ngày lễ, Tết. Mối hàng và thợ nhà tôi cũng chẳng ai đòi thêm một đồng nào tiền công cả. Thế nên, suốt cả năm, chỉ riêng bảy ngày Tết Nguyên Đán, khi toàn dân nghỉ, giá nhân công và nguyên liệu tăng, là tôi cũng đóng cửa nghỉ luôn, chứ không mượn cớ để tăng giá sản phẩm bán ra cho người khác.
Còn lại, các ngày nghỉ lễ dài, ngắn khác trong năm, chẳng có lý do gì để đòi tăng giá cả, mọi lý do đưa ra đều chỉ là ngụy biện. Chẳng có gì gọi là nguyên liệu hay mặt bằng tăng giá cả, mối lấy hàng quanh năm chứ có phải ra chợ nhặt đâu mà đòi tăng giá ngày một, ngày hai. Nhưng ngày cả Tết Âm lịch nếu buộc phải tăng giá bán để bù vào tiền nhân công, nguyên liệu, thì cũng không thể tăng vô lý theo kiểu một bát phở đội giá 20-30 nghìn đồng được. Đó là lợi dụng ngày nghỉ để trục lợi, "chặt chém" chứ không phải gì khác.
>> Tôi không chấp nhận bát phở tăng giá 20.000 đồng vì lễ, Tết
Làm ăn là câu chuyện lâu dài, quanh năm, không phải cứ thích tăng là tăng. Thử nghĩ, nếu ra đường chơi, ăn bát phở bình thường mà bị hét giá 60-80 nghìn đồng thì thử hỏi liệu bạn có vui vẻ mà nuốt trôi không? Có thấy ấm ức vì phải trả một mức giá không xứng đáng? Với tôi, không bao giờ có chuyện thỏa hiệp với kiểu buôn bán như vậy.
Tất nhiên, ăn hay không, mua hay không là quyền của mỗi người. Nhưng việc làm cũng thể hiện cái tâm, đạo đức bán hàng. Ai chỉ lăm le đến ngày nghỉ trong năm hoặc 25, 26 Tết mà tăng giá hàng hóa, dịch vụ thì tôi không thể chấp nhận được. Những nơi như vậy, tôi không bao giờ quay lại lần thứ hai, kể cả họ chỉ tăng giá 5.000 đồng. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình "không bán tăng giá và không ăn giá cao" như vậy từ trước tới giờ.
Tôi tâm niệm rằng, khách hàng của mình sẽ ghé quanh năm, chứ 5-10 nghìn đồng chẳng giúp tôi giàu hơn là bao để mà tăng giá vài ngày lễ. Đặt mình vào vị trí khách hàng cũng vậy, tôi thà tìm quán khác ăn, kể cả không ngon bằng, chứ nhất quyết không chịu bị tăng giá vô lý. Tôi ủng hộ họ cả năm mà họ chẳng thèm tôn trọng mình bằng mấy nghìn lẻ, vậy thì cũng không cần gắn bó.
BL
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Suất bún chả 35.000 đồng có hai miếng chả đắt hay rẻ?
- 'Tôi dính bẫy đồng hồ của taxi sân bay Tân Sơn Nhất'
- 'Phố ẩm thực không chặt chém để cứu du lịch Phú Quốc'
- Tôi hay đi du lịch Thái Lan đâu phải vì giá rẻ
- 'Khách du lịch Việt quá hiền'
- Phú Quốc ế khách vì 'giá cả trên trời'