Lo ngại về tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tư pháp
Ngày 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023, số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng 231 vụ so với năm 2022. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp ghi nhận việc xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Các cơ quan cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm như vụ AIC, Việt Á, Vạn Thịnh Phát; vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… Đặc biệt, tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Phát biểu tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đánh giá: Tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ diễn biến rất phức tạp. Riêng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cơ quan tố tụng đã thụ lý những vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có quy mô, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ. Những vụ án này quy mô rất lớn, tài sản rất lớn, trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, công tác giám định, định giá chưa cải thiện vì luật hiện nay chưa quy định thời hạn cho định giá, giám định. Việc điều tra thì lại có thời hạn, nên dẫn tới sự mâu thuẫn, thậm chí trong một số trường hợp, khâu giám định, định giá trở thành “chỗ tránh né”, khiến cho cơ quan tố tụng bị “bó tay”. Cũng theo Viện trưởng Lê Minh Trí, quy định pháp luật phải bảo đảm chế độ chính sách cho người làm công tác giám định, định giá; đồng thời cũng phải bổ sung chế tài về mặt thời gian, trách nhiệm trước pháp luật đối với người làm công việc này, bởi đó là một khâu rất quan trọng trong tố tụng.
ANH THƯ