Tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%
Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC – sàn: HoSE) vừa thông qua việc chi trả tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu VGC sẽ được nhận tạm ứng 1.000 đồng cổ tức. Danh sách cổ đông hưởng cổ tức sẽ được chốt vào ngày 2/10 tới đây, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/9.
Với hơn 448,4 triệu cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, dự kiến Tổng Công ty Viglacera sẽ cần chi hơn 448 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông lần này. Trong đó, hai cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex – công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%, sẽ lần lượt được nhận 225 tỷ đồng và 173 tỷ đồng tiền cổ tức đợt này.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tổng Công ty Viglacera đã chốt mức cổ tức năm nay ở mức dự kiến 20% vốn điều lệ. Do đó, dự kiến doanh nghiệp này sẽ còn thêm đợt chia cổ tức nữa với tỷ lệ 10%.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá cổ phiếu VGC đạt 51.200 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu này đang có nhịp tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 đến nay, với mức tăng đạt hơn 18% chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VGC hiện đã tăng hơn 55%.
Hoàn thành 121% mục tiêu lợi nhuận năm sau 8 tháng
Vừa qua, ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn công ty đạt 1.463 tỷ đồng, hoàn thành 121% kế hoạch cả năm; riêng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ đạt 1.536 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch cả năm nay.
Cổ đông cũng đã ủy quyền cho ban lãnh đạo doanh nghiệp đến hết quý 3/2023, trên cơ sở đánh giá kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm và dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch, xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nếu cần thiết.
Bóc tác dữ liệu cho thấy, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, là mảng kinh doanh chủ chốt đóng góp vào kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay của Tổng Công ty Viglacera.
Bên cạnh đó, mảng vật liệu xây dựng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực sau giai đoạn chững lại do các khó khăn của ngành bất động sản thời gian vừa qua. Cụ thể, xuất khẩu gạch ốp lát và kính xây dựng 8 tháng đầu năm nay đã lần lượt tăng 134% và 33% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch 2023 đã đề ra.
Xem thêm: "Thiếu hụt nguồn cung mới kéo dài đẩy giá thuê bất động sản công nghiệp tăng cao" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Về mảng bất động sản công nghiệp, với 12 khu công nghiệp đang sở hữu và vận hành, ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera khẳng định sẽ giữ vị thế vững chắc trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Hiện các khu công nghiệp của doanh nghiệp này đang thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI.
Hiện tại, quỹ đất sẵn sàng cho thuê của Tổng Công ty Viglacera tính tới cuối năm 2022 đạt hơn 823 ha, trong đó tại Khu công nghiệp Yên Phong và Thuận Thành có diện tích sẵn sàng cho thuê hơn 265 ha. Đây cũng là khu vực có giá thuê cao của Tổng Công ty với mức giá 125-150 USD/m2.
Trong thời gian tới, Tổng Công ty Viglacera sẽ tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án khu công nghiệp như Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân. Dự kiến đến năm 2025, Tổng Công ty Viglacera sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.
Đô thị Kinh Bắc (KBC) có thể thu về hơn 11.500 tỷ từ KCN Tràng Duệ 3 Lan Anh