Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh khoá X đã biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo đó, danh mục 5 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng được đề xuất thực hiện theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98 của Quốc hội gồm:
Mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng (đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia với tỉ lệ 50% và doanh nghiệp 50%).
Mở rộng quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3) dài 9,1 km, tổng mức đầu tư khoảng 7.173 tỷ đồng (tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 50% tổng mức đầu tư).
Mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài gần 5 km, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (ngân sách TP thực hiện với tỉ lệ 50% vốn đầu tư và doanh nghiệp 50%).
Nâng cấp trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành) dài 8 km, với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng (doanh nghiệp tham gia 50%).
Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, với tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng (ngân sách nhà nước tham gia 54% và doanh nghiệp tham gia 46%).
Đây là những dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phép TP. Hồ Chí Minh áp dụng hợp đồng BOT với các công trình mở rộng đường hiện hữu.
Phát biểu tại Kỳ họp, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, các dự án này được Sở chọn lựa ưu tiên đầu tư dựa theo 5 tiêu chí. Cụ thể gồm: Tính chất và vai trò của các tuyến đường; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đánh giá sơ bộ về tính khả thi về phương án tài chính của dự án; khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án; khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án.
Sau khi được Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông qua, ngành giao thông sẽ tập trung đầu tư các dự án trên trong giai đoạn 2023-2030. Đồng thời, đề xuất Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh thống nhất bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (dự kiến 8.360 tỷ đồng), kế hoạch đầu tư công năm 2024 (dự kiến 5 tỷ đồng) để thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án này.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đơn vị thuộc UBND TP.Hồ Chí Minh) sẽ là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (bao gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi)...
Biển số siêu đẹp tại TP. Hồ Chí Minh được "chốt" giá hơn 32 tỷ đồng Huyền MyNghị quyết 98 đã mở ra cơ chế cho TP. Hồ Chí Minh áp dụng trở lại hợp đồng BOT ở các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa công trình đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT từ cơ chế của nghị quyết 98 là: quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu; quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An; quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư của 5 dự án này là khoảng 37.000 tỉ đồng.