Nội dung được chính quyền thành phố nêu trong tờ trình vừa gửi Ban cán sự Đảng UBND TP HCM. Doanh nghiệp được phép khai thác là Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ cũng là chủ đầu tư dự án.
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng từ 600 ha thành 2.870 ha. Nơi xây dựng khu đô thị này ở xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với 5 phân khu, được khái toán tổng kinh phí hơn 76.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc.
Trước đó, từ năm 2006 đến 2019, UBND TP HCM đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản 10 mỏ cát nhiễm mặn cho doanh nghiệp này trên vùng biển Cần Giờ với tổng trữ lượng hơn 27 triệu m3. Trong đó, hai mỏ Long Hòa 1, 2 đã được cấp giấy phép khai thác, 8 mỏ còn lại mới được cấp phép thăm dò.
Theo UBND TP HCM, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô lớn, là dự án trọng điểm của thành phố. Dự án cần gần 138 triệu m3 cát san lấp, dự kiến được lấy từ các mỏ cát đã được khảo sát, thăm dò trên vùng biển Cần Giờ, lượng đất đào biển hồ nhân tạo, từ vùng biển lân cận và nguồn vật liệu từ nơi khác. Nếu 10 mỏ cát được khai thác sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu dự án.
Chính quyền thành phố đánh giá việc dùng cát cát nhiễm mặn tại các mỏ cát trên khu vực biển Cần Giờ đã được thăm dò sẽ thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ cần đánh giá tác động môi trường và một số thủ tục khác trước khi khai thác các mỏ cát.
Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển. Địa phương có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch. Định hướng của TP HCM đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây.
Lê Tuyết