Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

TPHCM mở rộng không gian phố đi bộ

Thứ ba, 05/09/2023 | 22:01
[G-News24/7] -

Mong đường mát hơn, phố đẹp hơn

Nhìn cảnh xe cộ qua lại tấp nập, bà Lê Thị Thanh Nga, chủ hộ kinh doanh nơi đây, phấn khởi cho biết, từ tháng 8 năm rồi, toàn bộ lòng đường và vỉa hè được tái lập, mặt đường trải nhựa, người dân, các hộ kinh doanh buôn bán ai cũng phấn khởi. Song, bà con sinh sống, buôn bán dọc hai bên đường mong muốn các ban ngành sớm thiết kế, tạo cảnh quan, trồng thêm nhiều cây xanh cho khu vực đẹp hơn, mát hơn.

Anh Nguyễn Trung Đình, nhân viên quán cà phê nằm gần góc đường Lê Lợi - Pasteur, thông tin, vỉa hè dọc các cửa hàng nằm hướng bên trái của trục đường Lê Lợi (hướng nhìn ra Nhà hát thành phố) đều không có cây xanh. Do vậy, vào những ngày trời nắng nóng, khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ, nhiều du khách phải “trốn” nóng trong các nhà hàng, quán cà phê xung quanh.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An cho biết, so với trước đây, có thể nói trục đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi hiện tại khang trang hơn, kết nối tốt về mặt giao thông; các hoạt động thương mại, dịch vụ trên tuyến này đang dần khôi phục. UBND quận 1 sẽ sớm tổ chức phố đi bộ ở đây. Quận 1 đang kiến nghị UBND TPHCM sớm thông qua quy hoạch không gian đô thị tại khu vực đường Lê Lợi để quận có cơ sở chỉnh trang, qua đó thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển một trong những khu vực quan trọng bậc nhất thành phố này.

Liên quan đến việc “phủ” xanh tuyến đường Lê Lợi, Sở QH-KT TPHCM cũng vừa đề xuất thành phố chi 20-30 tỷ đồng lắp đặt mái che một số khu vực vỉa hè đường Lê Lợi, nhằm tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ sau khi dự án Metro số 1 hoàn trả toàn bộ mặt bằng.

Dự kiến có 22 tuyến phố đi bộ

Đường Lê Lợi là một trong vài tuyến đường sầm uất hàng đầu của thành phố, nằm ngay trung tâm quận 1, có chiều dài khoảng 950m, kéo dài từ phía trước chợ Bến Thành đến trước Nhà hát thành phố. Theo kế hoạch, trục đường này là một trong 22 tuyến dự kiến được tổ chức phố đi bộ ở trung tâm thành phố trong khoảng 3 năm tới.

b5b-2088.jpg

Đường Lê Lợi, quận 1 (TPHCM) khang trang, thông thoáng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Sở QH-KT TPHCM, có 3 phương án tái lập không gian cho khu vực này. Theo đó, khu vực vòng xoay Quách Thị Trang được thiết kế thành quảng trường hiện đại, nhưng vẫn giữ được không gian văn hóa đặc trưng. Trong đó, ưu tiên đặt tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và liệt sĩ Quách Thị Trang trong không gian có nhiều cây xanh tán lớn tạo bóng mát. Hình dáng các đảo giao thông được thiết kế lại cho phù hợp với cảnh quan, đồng thời với điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông...

Hiện tại, nút giao giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi (trước đây còn gọi là bùng binh cây liễu) đã được tái lập, cách khu vực cửa Nam chợ Bến Thành gần 800m. Sắp tới, quảng trường trước cửa Nam chợ Bến Thành được thiết kế lại để kết nối với các không gian xung quanh, tạo thêm điểm nhấn văn hóa, du lịch đặc sắc trong lòng đô thị.

Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất cấm xe tải, xe khách trên 16 chỗ, các phương tiện khác chỉ lưu thông hai bên đường (trong làn xe máy). Khu vực tim đường (các làn ô tô ở giữa) chỉ phục vụ người đi bộ. Đường Lê Lợi có thể đóng lại để tổ chức phố đi bộ toàn phần trong các ngày cuối tuần. Sở này cũng kiến nghị giao Sở QH-KT TPHCM chủ trì xem xét thiết kế tổng quan tuyến Lê Lợi và khu vòng xoay trước chợ Bến Thành.

Theo Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố vừa được Sở GTVT trình UBND TPHCM xem xét, phê duyệt, các tuyến đi bộ thực hiện vào các ngày cuối tuần được xây dựng theo lộ trình 3 giai đoạn. Từ nay đến năm 2024, mở rộng phạm vi phố đi bộ vào ngày cuối tuần trên các trục đường: Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ đường Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ đường Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ đường Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ đường Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Riêng các tuyến đường: Đông Du (từ đường Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ đường Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng); Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (từ đường Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh); Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ đường Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.

Giai đoạn 2024-2025, sẽ mở rộng phạm vi thực hiện trên các tuyến đường: Hàm Nghi (từ đường Tôn Đức Thắng đến Công viên Quách Thị Trang), Tôn Đức Thắng, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Thi Sách, Thái Văn Lung. Các tuyến đường Tôn Thất Đạm (từ đường Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ được ưu tiên đi bộ và hạn chế xe lưu thông. Sở GTVT TPHCM cho biết thêm, việc nghiên cứu đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố sẽ thực hiện trên cơ sở nghiên cứu toàn diện các tiêu chí để có lộ trình triển khai hiệu quả.

Đề án cũng nêu rõ, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông tạm thời vào các ngày cuối tuần. Chẳng hạn điều chỉnh tổ chức đậu xe trên một số tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đậu xe phục vụ người đi bộ, điều chỉnh lại lộ trình cho 34 tuyến xe buýt bị ảnh hưởng trong thời gian tổ chức đi bộ. Cải tạo kích thước hình học các tuyến đường đi bộ nhằm tăng cường các biện pháp an toàn cho người đi bộ, tăng diện tích để xe, bổ sung các tiện ích cho người đi bộ, đồng thời cải tạo 78 nút giao thông…

QUỐC HÙNG
g-news247