Bình cứu hỏa mini - vật dụng thoát hiểm cần thiết
Bình cứu hỏa ở chung cư có 2 loại là bình bột và bình khí. Không nói đến trường hợp cháy to nhưng trong trường hợp cháy nhỏ, khi sử dụng bình CO2 có thể xịt vào các thiết bị điện hay bất cứ thiết bị gì sẽ không gây hỏng hóc với thiết bị đó và có thể cứu vãn được.
Chăn chống cháy
Chăn chống cháy là chăn trùm khi xảy ra đám cháy có thể cầm chăn dập thẳng vào lửa vì chăn được làm từ sợi thủy tinh. Khi cháy, lấy chăn dập vào lửa, khí sẽ không thoát được ra, bí khí sẽ tắt đám cháy nhỏ đó.
Ngoài ra, mọi người có thể sử dụng chăn trùm vào đầu hay quàng, quấn chăn vào người để chui ra đám cháy khi không có mặt nạ phòng độc.
Mặt nạ phòng độc
Trong nhiều trường hợp có cháy nổ, người dân có thể tử vong do ngạt khói, nhất là khi các vật liệu cháy sinh ra khói độc, thậm chí có thể mất mạng trước khi lửa lan đến nơi. Các gia đình nên mua dự trữ sẵn trong nhà vài chiếc mặt nạ phòng độc với giá thành khoảng vài trăm nghìn đồng một chiếc.
Mặt nạ phòng độc được thiết kế phù hợp với mọi khuôn mặt, kể cả trẻ em. Dây đeo màu cam giúp người bị nạn có thể được nhân viên cứu hộ nhận biết dễ dàng trong đám khói.
Dây thoát hiểm
Dây đai thoát hiểm có thể giúp người dân thoát hiểm an toàn bằng đường ban công hoặc cửa sổ với trọng lượng chịu tải cho phép khoảng 150 kg. Tùy theo độ cao của nhà mà có thể lựa chọn dây thoát hiểm với độ dài khác nhau lên tới trên 50m (tương đương nhà 12 tầng).
Bộ dây đai thoát hiểm còn có bộ điều tốc giúp người dùng có thể điều chỉnh tốc độ rơi và tiếp đất của người nhằm hạn chế tối đa chấn thương, ngoài ra còn có bộ dây chịu lực, đai bảo hộ độn mút mềm và giá treo chịu lực.
Hiện nay, trên thị trường đã có loại thiết bị thoát hiểm bằng dây tích hợp gọn gàng trong ba lô. Balô gồm 1 móc an toàn và 1 cáp chống cháy. Móc được gắn trước trong văn phòng hoặc nhà ở - tốt nhất là gần cửa sổ.
Khi xảy ra cháy, người dùng đeo balô lên vai, thắt dây an toàn rồi mắc cáp vào móc, sau đó từ từ leo xuống. Nhờ vậy, người dân sẽ hạn chế bớt các công đoạn xử lý khi có sự cố và không cần tập luyện nhiều.
Thang dây thoát hiểm
Thang dây thoát hiểm được thiết kế như chiếc thang thông thường nhưng bằng chất liệu mềm dẻo, chịu nhiệt và chịu tải trọng lớn. Thông thường thang được cuốn tròn thành cuộn và khi có trường hợp khẩn cấp thì được thả ra, gắn cố định 1 đầu vào thiết bị chịu lực trên thành ban công hoặc cửa sổ (thành phải dày và chắc chắn).
Việc leo thang xuống không khó bằng sử dụng dây nhưng cần nhanh chóng và thận trọng. Thang có thể sử dụng thoát hiểm tuần tự cho cả gia đình bởi cấu tạo 2 đầu dây như ròng rọc, bậc thang hình chữ U tựa vào tường khi bước xuống tạo độ vững chắc an toàn.
Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới Nguyên Vỵ tổng hợp