Trả lời:
Muối ăn chứa nhiều natri, một chất điện giải quan trọng giúp điều hòa áp lực thẩm thấu của thể dịch, cân bằng axit - kiềm. Chúng cũng kiểm soát hoạt động điện sinh lý trong cơ, thần kinh và chống lại các yếu tố gây sức ép đối với hệ thống tim mạch.
Theo nhu cầu khuyến nghị natri của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ ở mỗi độ tuổi chỉ cần bổ sung một lượng muối nhất định. Cụ thể, bé nhà bạn 7 tháng tuổi cần tiêu thụ không quá 600 mg natri (1,5 g muối) mỗi ngày.
Natri có trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật (sữa, thịt, cá, trứng, hải sản), đồ ăn vặt (bánh mì, bánh quy) và gia vị (nước mắm, xì dầu, bột ngọt, hạt nêm). Do đó, mẹ không nên tập cho con ăn muối quá sớm để tránh tình trạng dư thừa natri. Mẹ nên nấu nhạt, không cần cho thêm muối hoặc nước mắm, xì dầu, bột ngọt, bột nêm.
Trẻ tăng khẩu phần natri có thể tăng huyết áp, nguy cơ cao mắc bệnh tim và thận. Ngược lại, giảm khẩu phần natri giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, chi phí chăm sóc sức khỏe trong dài hạn. Thay vì dùng muối, bố mẹ có thể cân nhắc dùng các loại gia vị tự nhiên, tốt cho sức khỏe như hành lá, nghệ, rau thơm thái nhuyễn để kích thích vị giác, giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tiếp tục duy trì thói quen nấu ăn nhạt cho đến khi con đạt ít nhất 24 tháng tuổi. Sau 24 tháng tuổi, nếu con thích ăn mặn, bố mẹ mới cần bổ sung muối vào khẩu phần ăn. Ngược lại, nếu trẻ vẫn chưa có nhu cầu dùng muối thì nên ưu tiên ăn nhạt, tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome